Sự kiện hàng nghìn sinh viên bị “dọa" kỷ luật do không đóng BHYT hay học sinh sẽ bị đuổi học vì vi phạm giao thông cho thấy các nhà trường hiện chưa phân định rõ vai trò, chức năng của mình đối với học sinh.
Không thể đuổi học HS vì vi phạm giao thông hoặc kỷ luật do không đóng BHYT - Ảnh: Ngọc Thắng |
Việc dư luận phản ứng trước sự kiện hàng nghìn sinh viên bị “dọa" kỷ luật do không đóng bảo hiểm y tế hay học sinh sẽ bị đuổi học vì vi phạm giao thông cho thấy các nhà trường hiện chưa phân định rõ vai trò, chức năng của mình đối với học sinh cũng như mối quan hệ giữa sinh viên - học sinh với xã hội bên ngoài.
Cần tách bạch chức năng
Trả lời với báo chí, một số luật sư cho rằng cần tách bạch rạch ròi trách nhiệm của nhà trường và xã hội. Không thể để học sinh (HS) cùng lúc phải chịu nhiều lần xử lý, điều chỉnh vì một vi phạm. Cụ thể, vi phạm an toàn giao thông là vi phạm hành chính ngoài nhà trường, do lực lượng cảnh sát xử lý theo luật Giao thông đường bộ, chứ không nên bắt các nhà trường gánh thêm việc này. Còn vi phạm quy chế trong giờ học mới là trách nhiệm của nhà trường.
Giáo sư (GS) Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng cần căn cứ vào từng sự việc cụ thể. Ví dụ xử phạt vi phạm giao thông thì cần vào cuộc của nhiều lực lượng. Cảnh sát xử phạt hành chính nhưng cũng rất cần các trường giáo dục, kỷ luật HS về mặt đạo đức, hạnh kiểm vì hành vi vi phạm giao thông là vấn đề thuộc về ý thức và hậu quả của nó là an toàn tính mạng con người.
Tuy nhiên, ông Thuyết cũng cho rằng phải xác định đúng vai trò của nhà trường, họ có chức năng giáo dục, tuyên truyền cho HS và kỷ luật về hạnh kiểm nếu HS cố tình vi phạm dù đã được giáo dục, nhắc nhở. "Nhưng chính quyền hoặc lãnh đạo ngành không nên “ép” các cơ sở giáo dục phải làm những việc ngoài phạm vi quản lý và chức trách của họ. Ví dụ, HS đi xe máy đến tận trường học thì nhà trường xử lý, nhưng nếu ngoài nhà trường thì bên giao thông có trách nhiệm báo về trường chứ không thể bắt giáo viên các trường đi “bắt bớ” HS vi phạm giao thông được", GS Thuyết nói.
Riêng về việc xử lý kỷ luật sinh viên (SV) vì không đóng bảo hiểm thì GS Thuyết cho rằng, nhà trường chỉ nên tuyên truyền về tính bắt buộc và lợi ích thiết thực khi tham gia bảo hiểm chứ không nên xử phạt hạnh kiểm SV.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Ông Thuyết cũng cho rằng: "Các nước họ có hệ thống xử lý vi phạm hành chính, dân sự rất chuyên nghiệp, bài bản nên không có sự lẫn lộn chức năng của các cơ quan khác nhau, ở nước ta nhiều khi cứ giao cho cơ quan nào dễ quản nhất. Ví dụ, luật Bảo hiểm có chế tài của luật này thì áp dụng theo đó, chứ không nên gây áp lực bằng cách đuổi học hay đánh vào hạnh kiểm để buộc HS, SV phải mua bảo hiểm!".
Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện của Bộ Y tế cũng cho rằng việc nhà trường đề nghị xử lý kỷ luật SV không mua bảo hiểm y tế là không tối ưu. Thay vào đó nhà trường nên có biện pháp tuyên truyền, giáo dục đến SV về những quy định cũng như lợi ích tham gia bảo hiểm y tế. Ở các nhà trường, luật và các nghị định trong lĩnh vực này chỉ mang tính khuyến nghị chứ không có một quy chế phạt nào về mặt pháp luật nếu nhà trường không thực hiện được đầy đủ việc thu bảo hiểm y tế SV.
Ngoài ra, cả luật Bảo hiểm y tế, luật Giao thông đường bộ cũng như các nghị định về xử phạt hành chính trong 2 lĩnh vực này đều ghi rõ các hình thức xử phạt nếu vi phạm. Như vậy, xử lý người vi phạm các điều khoản trong 2 lĩnh vực này không phải là chức năng của các trường.
Giáo viên thành “cảnh sát” kiêm “chủ nợ”
Hầu hết lãnh đạo các trường đều mong muốn hạn chế tình trạng HS vi phạm giao thông nhưng mong muốn lớn hơn của các giáo viên là có các cơ quan chức năng xử lý những vi phạm về hành chính, an toàn giao thông cũng như các lĩnh vực khác thì sẽ chuyên nghiệp hơn và giáo viên có thời gian chuyên tâm vào việc giáo dục.
Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), chia sẻ: "Quy định đưa xuống nhà trường thì chúng tôi phải cố gắng thực hiện, nhưng có rất nhiều tình huống trớ trêu khiến thầy cô giáo không ít lần bức xúc khi phải làm những việc không đúng chuyên môn của mình".
Bà Phương Anh kể, quy định là thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, chưa có bằng lái thì không được đi xe gắn máy. HS tìm đủ mọi cách để “lách”, vẫn đi xe máy đến trường nhưng gửi xe ở nhà dân gần đó... Có lần giáo viên của trường đến những nhà dân kinh doanh dịch vụ trông xe để “bắt” HS của mình đi xe máy, đồng thời đề nghị người dân phối hợp bằng cách không nhận trông xe của HS nữa. Thế nhưng, có lần giáo viên bị chửi bới, đe dọa, bị “cho ăn đủ thứ” vì người chủ trông xe cho rằng đấy không phải là “phận sự” của nhà trường...
Chia sẻ với PV Thanh Niên, lãnh đạo không ít trường tỏ rõ sự mệt mỏi, bất lực vì nhiều khi các trường phải căng đội ngũ giáo viên của mình để rình bắt HS vi phạm giao thông ngoài nhà trường như những cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực. Giáo viên là những nhà sư phạm, được đào tạo và trả lương để giáo dục HS, chứ đâu có kỹ năng và chuyên môn để xử lý các vi phạm về hành chính, dân sự.
Tương tự, không ít trường hiện nay cũng áp dụng nhiều hình thức kỷ luật, nhẹ thì khiển trách, hạ hạnh kiểm, nặng thì đuổi học đối với các HS, SV không nộp bảo hiểm y tế. Một giáo viên dạy học ở H.Đan Phượng, Hà Nội tâm sự: "Làm giáo viên chủ nhiệm mà nhiều lúc tôi cảm giác mình như người chuyên... đòi nợ.
Bảo hiểm y tế từ năm học vừa qua trở thành bắt buộc, thế là giáo viên cũng buộc phải thu bằng được tiền của phụ huynh. Có phụ huynh thậm chí còn chất vấn lại giáo viên: “Cô là giáo viên hay là người của bảo hiểm mà tôi phải đóng cho cô...”. Nhưng nếu giáo viên không hoàn thành chỉ tiêu được giao sẽ bị phê bình, cắt thi đua khen thưởng...”.
Thay đổi nhưng vẫn buộc thôi học có thời hạn
Chiều qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã sửa quy định kỷ luật trong kế hoạch mới về thi đua đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020.
Theo văn bản này, các hình thức xử lý kỷ luật nhà trường, cán bộ giáo viên, HS, SV đã được điều chỉnh theo hướng bỏ quy định cứng về việc buộc thôi học 1 tuần đối với HS vi phạm lần hai mà giao cho các cơ sở giáo dục xử lý theo quy định và hướng dẫn hiện hành của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, các văn bản này nêu rõ: HS vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.
|
Ý KIẾN
Bảo hiểm y tế liên quan đến quyền lợi của HS, nhà trường có trách nhiệm thông báo và yêu cầu HS tham gia mà thôi. Nên cân nhắc chuyện trường đứng ra xử lý kỷ luật.
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu
(Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM) Hiện nay luật quy định bảo hiểm y tế là bắt buộc nhưng cũng không quy định hình thức xử lý nếu không thực hiện thì hà cớ gì nhà trường lại kỷ luật HS.
Lý Văn Huệ
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình, TP.HCM) Về việc xử lý HS vi phạm luật giao thông, không nên kỷ luật chồng xử phạt như vậy. Khi HS vi phạm, cơ quan công an đã tiến hành lập biên bản và xử phạt theo quy định. Sau đó, phía công an gửi danh sách HS vi phạm về nhà trường để nhà trường có trách nhiệm giáo dục và tuyên truyền giúp HS không tái phạm.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Tân Bình, TP.HCM
Bích Thanh
(ghi) |
Bình luận (0)