Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão

Bá Cường
Bá Cường
26/10/2024 12:53 GMT+7

Được xây dựng từ 27 năm trước, nhiều hạng mục của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã xuống cấp trầm trọng, tường nhà, ban công nứt nẻ, đổ gãy, gây nguy hiểm cho giáo viên và học sinh.

Trường PTDTNT H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) được xây dựng vào năm 1997 với dãy phòng học 3 tầng. Trải qua 27 năm sử dụng, nhiều hạng mục của dãy nhà đã xuống cấp trầm trọng, gây ảnh hưởng trong công tác dạy học và nguy hiểm cho giáo viên, học sinh đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp đến.

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 1.

Dãy phòng học 3 tầng của Trường PTDTNT H.Vĩnh Linh đã xuống cấp trầm trọng sau 27 năm sử dụng

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Ông Trần Ngọc Oanh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT H.Vĩnh Linh, cho biết dãy nhà học có diện tích 1.267 m2 với 3 tầng, 12 phòng học, 3 phòng tổ chuyên môn là nơi đang phục vụ công tác dạy học của 36 giáo viên và gần 300 học sinh người dân tộc thiểu số từ các xã miền núi Vĩnh Hà, Vĩnh Ô và Vĩnh Khê thuộc H.Vĩnh Linh.

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 2.

Phần vữa, bê tông bên trong các phòng học bị nứt nẻ, bong tróc do ảnh hưởng của thời tiết

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 3.

Nhiều mảng tường lớn bị nứt nẻ rơi xuống phòng học và sân trường gây nguy hiểm cho giáo viên và học sinh

ẢNH: BÁ CƯỜNG

"Trong đợt nắng nóng vừa qua với nhiệt độ trên 40 độ C đã xảy ra tình trạng giãn nở, bong tróc các mảng vữa, các mảng bê tông to bị rơi xuống phòng học và sân trường gây nguy hiểm cho giáo viên và học sinh. Rất may thời điểm nắng nóng trùng với dịp toàn trường nghỉ lễ nên không ảnh hưởng đến tính mạng của giáo viên và học sinh", ông Oanh nói.

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 4.

Một phần ban công ở tầng 3 bị đổ gãy hoàn toàn tạo lỗ hổng gây nguy hiểm cho học sinh

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bên cạnh các mảng vữa ở các phòng học bị bong tróc, nhiều lan can được xây bằng bê tông đã bị nứt gãy, nhà trường đã dán các biển cảnh báo học sinh lại gần, cấm leo trèo để hạn chế xảy ra nguy hiểm. Các cột trụ cũng bị bong tróc phần xi măng, lộ ra lớp sắt bị rỉ sét, xuống cấp.

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 5.

Lan can của trường bị nứt gãy và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Bên cạnh dãy nhà học, công trình nhà ăn của trường cũng có dấu hiệu xuống cấp khi tường nhà bị thấm nước, ẩm mốc. Dù đã được nhà trường cải tạo nhiều lần nhưng mái nhà vẫn dột nát, tường nứt nẻ, bếp không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 6.

Bê tông bị bong tróc lộ ra phần sắt bị rỉ sét

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài các hạng mục đã bị xuống cấp, cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác dạy học của Trường PTDTNT H.Vĩnh Linh cũng còn thiếu thốn. Nhà trường chưa có phòng học bộ môn đáp ứng với thông tư của Bộ GD - ĐT, các thiết bị dạy học cho các môn tin học, ngoại ngữ, phòng thực hành lý, hóa, sinh còn thiếu và không đồng bộ.

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 7.

Tường nhà ẩm mốc, dột nát bên trong công trình nhà ăn của Trường PTDTNT H.Vĩnh Linh

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Theo ông Oanh, nhà trường đã lập báo cáo về tình trạng của dãy nhà học cũng như hiện trạng cơ sở vật chất của nhà trường để gửi cho UBND H.Vĩnh Linh để có phương án giải quyết, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy và học tập.

Ông Nguyễn Thiên Tùng, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh, cho biết Trường PTDTNT H.Vĩnh Linh trước đây thuộc quản lý của Sở GD - ĐT tỉnh Quảng Trị, sau đó được bàn giao cho huyện.

Trường học xuống cấp, giáo viên học sinh lo lắng mùa mưa bão- Ảnh 8.

Dù đã được UBND H.Vĩnh Linh đầu tư xây dựng công trình nhà ở cho các học sinh, thế nhưng Trường PTDTNT H.Vĩnh Linh vẫn còn thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất cho công tác dạy học

ẢNH: BÁ CƯỜNG

"Sau khi tiếp nhận trường, UBND huyện cũng đã khảo sát các hạng mục xuống cấp, qua đó đầu tư xây dựng một công trình nhà ở cho các em học sinh với tổng mức đầu tư khoảng 11 tỉ đồng. Các hạng mục còn lại vì nguồn vốn hạn chế nên đang gặp khó khăn trong quá trình đầu tư để cải tạo lại", ông Tùng nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.