Trường hợp nào cán bộ vi phạm pháp luật nhưng thoát tội?

Ngân Nga
Ngân Nga
10/06/2024 04:27 GMT+7

Nếu cán bộ cho rằng chấp hành quyết định của cấp trên là trái luật, thì phải báo cáo bằng văn bản, nhưng miễn trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Con tôi làm việc ở cơ quan nhà nước nhưng thỉnh thoảng lại than thở cán bộ cấp trên yêu cầu làm những việc mà cháu không thích. Tuy nhiên, vì là cấp dưới nên dù không muốn, cháu vẫn phải chấp hành theo mệnh lệnh của cấp trên.

Tôi đọc báo thấy một số trường hợp khi cấp trên bị khởi tố hình sự thì vẫn có cấp dưới bị xử lý với vai trò đồng phạm.

Vậy nếu cấp dưới của một cơ quan nhà nước mặc dù biết khi làm theo yêu cầu của cấp trên là vi phạm pháp luật nhưng vẫn chấp hành thì bị xử lý như thế nào? Nếu khác quan điểm với lãnh đạo, vậy có cách nào hạn chế rủi ro, để không bị xử lý hành chính, hình sự không?

Bạn đọc Nguyễn Thắng.

Luật sư tư vấn

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn, trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ đại án được phát hiện xảy ra tại cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nhà nước.

Trường hợp nào cán bộ vi phạm pháp luật nhưng thoát tội?- Ảnh 1.

TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử một vụ án hình sự có cán bộ vi phạm pháp luật

NGÂN NGA

Các vụ án có sự tham gia, giúp sức của nhiều cá nhân với vai trò là đồng phạm trong thực hiện hành vi phạm tội tại chính cơ quan đó. Có trường hợp vì sợ bị chèn ép, nên thông thường họ sẽ chọn cách thỏa hiệp với mệnh lệnh sai trái của cấp trên, đồng nghĩa với việc bản thân trở thành người có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, người nào khi biết hành vi, việc làm đó là trái pháp luật mà vẫn làm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy vào hành vi vi phạm và thiệt hại trên thực tế mà phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Khoản 5 điều 9 luật Cán bộ, công chức quy định cán bộ, công chức trong thi hành công vụ có nghĩa vụ chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định.

Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành, nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Tuy nhiên, quy định trên chỉ miễn chịu trách nhiệm trong phạm vi vi phạm hành chính, "không áp dụng với vi phạm đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự".

Lý do, việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp phạm tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh (điều 26 bộ luật Hình sự).

Do vậy, cách tốt nhất để hạn chế được các rủi ro về vi phạm pháp luật thì con của bạn cần phải chủ động thường xuyên cập nhật quy định pháp luật; tỉnh táo trong thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao. Con bạn cần thẳng thắn, không bao che các hành vi vi phạm pháp luật, từ chối chấp hành mệnh lệnh của cấp trên nếu thấy đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, con bạn cần phải rạch ròi giữa "thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao" và "thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao trên cơ sở đúng quy định của pháp luật". Bởi giữa việc chiều lòng cán bộ cấp trên, sợ bị ghét, bị đì… để đánh đổi với việc có thể phải đối diện với tù tội, thì việc từ chối chấp hành mệnh lệnh vi phạm pháp luật là phương án tốt nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.