Trường hợp nào Việt kiều được thừa kế nhà ở tại Việt Nam?

Ngân Nga
Ngân Nga
16/03/2023 08:31 GMT+7

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua hình thức như mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế... nhưng phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Tôi năm nay 68 tuổi, là người gốc Việt Nam. Hiện tôi đang sống tại Đức và đã có quốc tịch tại nước này. Dù không còn quốc tịch Việt Nam nhưng tôi được cấp thị thực nhập cảnh về nước nhiều lần.

Năm 1996, tôi có gởi tiền về Việt Nam để mẹ mua một căn nhà do mẹ đứng tên. Bố tôi mất cách đây 5 năm, nay mẹ cũng qua đời không để lại di chúc, gia đình tôi chỉ còn tôi và người em gái.

Do tôi không có tài sản nào, mong muốn được về Việt Nam ở tại căn nhà này để thờ phụng nhang khói cho ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, hiện tại tôi đang rất lo lắng, có nguy cơ căn nhà sẽ bị chia cho em gái.

Em tôi đã có nhà riêng, nếu tôi đưa tiền tương đương với một nửa giá trị căn nhà, thì tôi có được đứng tên không? Pháp luật quy định sao về quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt kiều như tôi?

Bạn đọc Đạt Nguyễn gửi câu hỏi đến Thanh Niên.

Trường hợp nào Việt kiều được thừa kế nhà ở tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh

NVCC

Luật sư tư vấn

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Giám đốc Công ty luật TNJ) tư vấn, theo Điều 3 luật Quốc tịch Việt Nam 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Như vậy, trường hợp của bạn được xem là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Căn cứ Điều 7 luật Nhà ở 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo đó, điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở là có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức như mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở… và phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam (Điều 8 luật Nhà ở 2014).

Bạn được phép nhập cảnh vào Việt Nam và được hưởng thừa kế nên được quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, theo luật sư Kim Vinh, bạn và em gái nên thương lượng với nhau xem ai nhận nhà, ai nhận tiền.

"Nếu trường hợp các bên không thương lượng được, thì phải khởi kiện ra tòa án. Khi ấy, tòa án sẽ xem xét đánh giá, hoàn cảnh của 2 bên như ai chưa có nhà ở, công sức đóng góp… để quyết định cho người đó được nhận căn nhà. Người được nhận nhà phải thanh toán lại một nửa giá trị căn nhà cho người còn lại", luật sư Kim Vinh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.