Cha mất đột ngột, không di chúc, con riêng hưởng thừa kế bằng cách nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
19/02/2023 10:56 GMT+7

Luật sư tư vấn về tình huống pháp lý mà bạn đọc Báo Thanh Niên nêu ra: Người cha có 2 người con riêng. Bây giờ ông đã mất và không để lại di chúc, thì con riêng của ông được hưởng di sản thừa kế như thế nào.

Chuyện cha tôi mất đột ngột và không để lại di chúc cho di sản thừa kế, như sau: Năm 1987, cha tôi cưới vợ và có kết hôn với một người phụ nữ gần nhà. Cả hai có một người con chung. Sau đó, người vợ đưa đứa con đi định cư ở Mỹ.

Đã 30 năm nay, hai mẹ con họ không trở về Việt Nam, dù vậy cha tôi vẫn chưa ly hôn. Ông sống một mình trong căn nhà rộng 100 m2 nằm trong khuôn viên đất có diện tích hơn 2.000 m2.

Trong thời gian vợ đi Mỹ, cha tôi có con riêng với một người phụ nữ khác và đã sinh được một người con gái (25 tuổi). Tiếp đó, ông qua lại với mẹ tôi và sinh ra tôi (20 tuổi). Cả tôi và người con gái 25 tuổi đều không được ông giới thiệu cho người thân biết, nên cả dòng họ không ai biết có sự hiện hữu của chúng tôi.

Hôm trước tết, khi tôi đến nhà thăm, mới hay cha đã qua đời được mấy hôm, do bị đột quỵ. Ông mất không để lại di chúc.

Ông bà nội của tôi đã qua đời từ lâu. Hiện nay, toàn bộ tài sản của cha tôi là 2 căn nhà, xe ô tô và nhiều tài sản khác đều do người thân quản lý. Họ nói không biết tôi và người con gái 25 tuổi là ai nên không đồng ý giao di sản thừa kế cho chúng tôi.

Cha mất đột ngột, không di chúc, con riêng hưởng thừa kế bằng cách nào? - Ảnh 2.

Nếu người vợ và con không thể về Việt Nam thì có thể ủy quyền cho người khác thay mặt nhận di sản thừa kế

ĐÌNH SƠN

Những ai được hưởng di sản thừa kế?

Về tình huống không để dại di chúc cho di sản thừa kế kể trên, luật sư Nguyễn Trần Thiên (Công ty luật TNHH MTV N.H.T và cộng sự) chia sẻ, di sản (tài sản của người đã mất) của cha bạn sẽ được chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật.

Theo Điều 624 bộ luật Dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tại Điều 649, luật này cũng quy định "thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định".

Do cha bạn không để lại di chúc, nên căn cứ vào Điều 651, di sản sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất là người vợ và con đang ở bên Mỹ và 2 người con ở Việt Nam. Mỗi người sẽ được hưởng phần thừa kế ngang nhau.

Yêu cầu người thân trả lại di sản thừa kế bằng cách nào?

Theo quy định tại Điều 617 bộ luật Dân sự, người quản lý di sản phải có nghĩa vụ giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

Trường hợp người quản lý di sản không chịu trả lại di sản, thì người thừa kế có thể khởi kiện đến tòa án để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, bạn và những người thừa kế theo pháp luật phải chứng minh được mối quan hệ với cha bạn như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân...

Nếu bạn không có một trong những giấy tờ trên, thì phải liên hệ với các cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xác nhận mối quan hệ cha con thông qua giám định ADN.

Đang ở nước ngoài, nhận di sản thừa kế bằng cách nào?

Đối với người vợ và con đang ở nước ngoài, thì có thể về Việt Nam tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Nếu không thể về nước, thì có thể lập văn bản ủy quyền cho người khác thay mặt khai nhận.

Trường hợp, hai người này không muốn nhận tài sản thừa kế, thì có thể lập văn bản từ chối di sản. Văn bản ủy quyền hoặc từ chối phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan lãnh sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.