Trường mẫu giáo, tiểu học đóng cửa, sinh viên dạy trẻ tại nhà

20/12/2021 06:03 GMT+7

Lo con không hiểu bài khi học trực tuyến , nhiều phụ huynh đã gửi bé đến học chữ và làm toán ở các lớp phụ đạo của sinh viên hoặc mời người về dạy trẻ tại nhà trong mùa dịch.

Phụ huynh chỉ yêu cầu phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin

Thời gian không đến trường vì dịch, Trương Kim Ngân, sinh viên năm 3, Trường ĐH Sài Gòn, đã mở lớp dạy thêm môn toán và tiếng Việt tại nhà cho các bé tiểu học, sau một năm đi làm gia sư. Mỗi ngày, cô dạy 2 ca, mỗi ca có tối đa 6 bé để đảm bảo giãn cách.

Lớp học của Kim Ngân kê bàn ghế cách xa nhau, yêu cầu học sinh đeo khẩu trang để đảm bảo giãn cách

NVCC

Kim Ngân chia sẻ: “Phụ huynh chỉ yêu cầu tôi phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đảm bảo bé hiểu bài là được. Họ cho biết khi học trực tuyến, các bé không theo kịp và thiếu bài trên lớp rất nhiều. Có bé còn kể cô trên lớp dạy nhanh, không cho viết nhiều, khi học với tôi bé được luyện viết kỹ lưỡng nên rất thích”.

Từng dạy gia sư trực tuyến nhiều tháng, Kim Ngân thừa nhận hình thức này có nhiều khó khăn hơn so với học trực tiếp, cho cả giáo viên và học sinh. “Có những buổi mạng yếu, cô trò phải nghỉ học đợi hôm khác. Trình độ giữa các bé trong cùng lớp cũng là vấn đề. Khi bé học yếu đọc bài chậm quá, bé học giỏi sẽ rảnh rỗi ngồi làm việc riêng. Tôi có thêm nhiệm vụ phải dung hòa cả hai để không có thời gian trống quá nhiều”, Ngân nhớ lại.

Trẻ đặt nhiều câu hỏi hơn so với học trực tuyến

Viên Uyên Nhi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sài Gòn, cũng mở lớp dạy tại nhà cho các bé mầm non, tiểu học gần một năm nay. “Phụ huynh mong muốn trước khi vào lớp 1, bé biết đọc và làm được các bài toán cộng trừ cơ bản. Với những bé lớp cao hơn, họ mong con hiểu bài, không bị chậm hơn so với các bạn”, cô nói.

Theo Uyên Nhi, việc dạy trực tiếp giúp cô dễ dàng quan sát, trực tiếp chỉ bài và sửa lỗi cho các bé. Nữ sinh chia sẻ: “Các bé thường đặt nhiều câu hỏi hơn so với học trực tuyến, cũng như muốn làm nhiều bài tập hơn. Các bé còn được nói chuyện với bạn bè, giúp không khí học thoải mái và thêm phần cạnh tranh”.

Không mở lớp như Uyên Nhi, Huỳnh Thị Mai Thy, sinh viên năm 1, Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, chọn đến nhà dạy trực tiếp cho trẻ tiểu học các môn toán và tiếng Việt. “Ở trường học chính quy, bé học khá chậm nhưng tiếp thu bài tốt. Tôi giảng thêm những gì bé còn chưa hiểu, giúp bé nắm rõ kiến thức”, cô chia sẻ về thái độ học tập của học trò nhí.

Vì dịch bệnh phức tạp, nhiều phụ huynh chuyển sang cho con học thêm trực tuyến

nvcc

Nguyễn Hoàng Thiên Linh, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, vừa chuyển sang dạy trực tuyến vì phụ huynh lo ngại tình hình dịch bệnh hiện tại. “Tôi dạy cho hai bé là anh em, đến nay đã được 2 năm. Khi học trực tiếp trên trường, hai bé rất rụt rè, khả năng tiếp thu tốt nhưng không hứng thú học tập. Điều này dẫn đến khi học trực tuyến thì “xả giàn”, không hề đụng đến bài vở nên điểm hạ thấp, mất nhiều thời gian uốn nắn thái độ và dạy hai bạn lại từ đầu”, cô kể.

Không đặt nặng vấn đề điểm số

Anh Nguyễn Quốc Nam, Q.Tân Bình, TP.HCM, có con đang học lớp 3 Trường tiểu học Phạm Văn Hai, thừa nhận vì không thể kiểm soát thực học môi trường trực tuyến nên đã đăng ký cho con học thêm lớp của Uyên Nhi. “Tôi cũng muốn con được trực tiếp trao đổi với người dạy và làm bài tại lớp để tránh nhàm chán”, anh Nam nói.

Theo anh Nam, sinh viên khi kèm cặp sẽ giống như anh chị của con, giúp con cảm thấy gần gũi như người bạn. Anh Nam thừa nhận: “Sự truyền đạt tuy có thể không cao như những lò đào tạo nhưng sẽ giúp con nhẹ đầu hơn, không chịu áp lực phải chạy theo cho kịp số đông”.

“Chỉ cần trong giao tiếp, bé có câu từ, hành vi lời nói thể hiện đủ chủ ngữ vị ngữ là tốt rồi. Tôi không đặt nặng áp lực điểm số ở những năm phổ thông, vì môi trường ĐH mới là thực học”, anh Nam chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.