Chiều 11.4.2024, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác.
Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên mức án tử hình về tội "tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "đưa hối lộ" và 20 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
HĐXX nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan lợi dụng chính sách của nhà nước về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Bị cáo từng bước nắm giữ, chi phối đến 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như là công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; đưa tài sản bảo đảm không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn rút tiền SCB.
Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành SCB
Khi SCB giải ngân tiền theo phương án khống, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền bằng thủ đoạn lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Về tội "đưa hối lộ", mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận đã đưa 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (là cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước), tuy nhiên, căn cứ lời khai của bị cáo Nhàn và bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), đủ cơ sở khẳng định bị cáo Lan phạm tội "đưa hối lộ".
Tuyên án vụ Trương Mỹ Lan: Đỗ Thị Nhàn cố ý nhận 5,2 triệu USD
HĐXX đánh giá, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã tổ chức thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong một thời gian dài, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gian dối, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước, nhân dân và SCB.
Hơn nữa, bị cáo Trương Mỹ Lan có 3 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội.
Vì vậy, theo HĐXX, mức án vừa nêu là đúng người, đúng tội.
Tuyên án Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ Vạn Thịnh Phát
Theo hồ sơ vụ án, trong 10 năm, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng này. Đến năm 2022, nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (bao gồm khoảng 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc và hơn 193.000 tỉ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Bên cạnh đó, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn thanh tra.
Hành vi nhận tiền để làm trái công vụ của đoàn thanh tra đã tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền là 514.102 tỉ đồng.
Bình luận (0)