Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành SCB

Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành SCB

11/04/2024 12:42 GMT+7

Sáng 11.4.2024, HĐXX nhận định về hành vi của từng bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan. HĐXX nhận định có đủ căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan thực sự sở hữu hơn 91,5% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Từ đó, bị cáo Lan có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động, cùng đồng phạm gây thiệt hại cho SCB hơn 677.000

Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, có 84 bị cáo được xác định có vai trò đồng phạm giúp sức Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng.

Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành SCB

HĐXX nhận định, lời khai tại tòa của các bị cáo đa số thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng; các lời khai phù hợp với nhau, phù hợp người làm chứng, người liên quan và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát .

Đồng thời, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB. Bị cáo Trương Mỹ Lan là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.

Do đó, HĐXX không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc bị cáo Lan thực tế chỉ có 15% cổ phần (bao gồm của bị cáo và 2 người con gái). Quá trình điều tra, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên dùm cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Tuyên án Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ Vạn Thịnh Phát

Cũng theo HĐXX, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần. Vì vậy, với việc chiếm trên 91,5% cổ phần tại SCB nên bị cáo Trương Mỹ Lan thực tế đã chi phối và thực chất điều hành toàn bộ hoạt động tại SCB.

Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo cựu lãnh đạo cao cấp tại SCB, sử dụng SCB như là công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; đưa tài sản bảo đảm không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn rút tiền SCB. Khi SCB giải ngân tiền theo phương án khống, bị cáo Lan chỉ đạo cấp dưới lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền bằng thủ đoạn lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Trong 10 năm, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gồm gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Toàn cảnh vụ Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án

Theo HĐXX, toàn bộ hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan trong 10 năm đã phạm tội "tham ô tài sản", nhưng trước thời điểm ngày 1.1.2018, chưa xử lý tội "tham ô tài sản" đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước, nên Viện KSND đã truy tố bị cáo ở 2 tội danh ở 2 giai đoạn trước và sau ngày 1.1.2018 là phù hợp. Đây cũng là lập luận để HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng, việc xử lý 2 tội danh đối với bị cáo Lan là bất lợi cho bị cáo.

Cụ thể, hành vi của Trương Mỹ Lan trong giai đoạn 1 từ ngày 1.1.2012 đến ngày 31.12.2017 phạm tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" theo khoản 3 điều 179 bộ luật Hình sự năm 1999.

Trong giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức cho 304 khách hàng vay 368 khoản, còn dư nợ tổng số tiền hơn 132.000 tỉ đồng. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên xác định hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay trên 67.600 tỉ đồng.

Cựu Tổng giám đốc SCB xin cho bà Trương Mỹ Lan cơ hội làm lại

Trong giai đoạn 2 từ ngày 1.1.2018 đến ngày 7.10.2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo tạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút và chiếm đoạt tiền của SCB. Đến ngày 17.10.2023, các khoản vay này còn dư nợ gốc hơn 415.600 tỉ, dư nợ lãi hơn 129.300 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm liên quan phạm tội "tham ô tài sản" theo quy định tại điểm a, b khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo Lan, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng dư nợ gốc, và gây thiệt hại hơn 129.000 tỉ đồng là lãi phát sinh từ số tiền gốc đã bị chiếm đoạt.

Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành SCB- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

NHẬT THỊNH

Trước đó, trong quá quá trình xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Lan cho rằng bản thân không thao túng SCB, không chiếm đoạt tiền SCB mà đưa tài sản của gia tộc, người thân, bạn bè để tái cơ cấu SCB nhưng thất bại. Bị cáo Lan cho rằng mình không phạm tội "tham ô tài sản" và "đưa hối lộ".

Còn 66 bị cáo làm việc tại SCB - hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, công ty thẩm định giá tài sản đảm bảo, doanh nghiệp khác, đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan đều thừa nhận hành vi theo cáo trạng, và mong HĐXX xem xét vai trò, chỉ là người làm công ăn lương, tin tưởng tuyệt đối vào bị cáo Trương Mỹ Lan và không hưởng lợi trong vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.