Trường nghề nhưng tuyển sinh thạc sĩ!

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/07/2024 07:05 GMT+7

Trường nghề nhưng trang web lại tràn ngập thông báo tuyển sinh ĐH vừa làm vừa học, ĐH liên thông, thạc sĩ... Không chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ, có trường còn giới thiệu là 'trạm đào tạo từ xa của trường ĐH' để lấy bằng thạc sĩ.

LIÊN KẾT TUYỂN SINH KHẮP NƠI

Trên trang web của Trường CĐ nghề An Giang, tại mục tuyển sinh, người đọc tưởng đang "lạc" vào trang web của một trường ĐH vì thông tin từ trên xuống dưới đa phần đều là tuyển sinh ĐH từ xa, ĐH vừa học vừa làm, cao học...

Trường nghề nhưng tuyển sinh thạc sĩ!- Ảnh 1.

Mục tuyển sinh của trường nghề nhưng toàn thông báo tuyển sinh ĐH, thạc sĩ…

CHỤP MÀN HÌNH

Trường này hiện đang liên kết với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông báo tuyển sinh trình độ ĐH hình thức đào tạo từ xa với 780 chỉ tiêu liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH ở 6 ngành gồm: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, kế toán, quản lý công nghiệp, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật ô tô, và công nghệ thông tin. Thí sinh có thể nộp hồ sơ tại trường CĐ nghề An Giang hoặc Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Trường cũng liên kết với Trường ĐH Đồng Tháp thông báo tuyển sinh đào tạo hệ vừa làm vừa học năm 2024 ở 2 ngành sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật loại hình liên thông, văn bằng 2 và vừa làm vừa học.

Không chỉ vậy, trường này còn thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh cao học do Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế đào tạo với 620 chỉ tiêu cho 10 ngành gồm: giáo dục học, lý luận và phương pháp dạy học bộ môn toán, lý, hóa sinh, văn và tiếng Việt, lịch sử, địa lý, quản lý giáo dục và tâm lý học.

Phải xuống dưới trang web của trường mới thấy xuất hiện thông tin tuyển sinh bậc trung cấp (phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Châu Thành để vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS) và thông tin tuyển sinh bậc CĐ.

Trong khi đó, trang web của Trường trung cấp Công nghiệp Bình Dương đăng thông báo liên kết với Trường ĐH Đồng Tháp để tuyển sinh thạc sĩ (đợt 1 năm 2024) cho 12 ngành đào tạo như: giáo dục tiểu học, ngôn ngữ VN, quản lý giáo dục, hóa lý thuyết và hóa lý, khoa học máy tính...

Nhiều trường nghề khác cũng tuyển sinh ĐH, thạc sĩ theo hình thức liên kết với các trường ĐH như Trường CĐ Bắc Kạn phối hợp Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh trình độ thạc sĩ các ngành quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, kinh tế phát triển. Trường trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội tuyển sinh thạc sĩ ngành điều dưỡng do Trường ĐH Thành Đông cấp bằng. Trường trung cấp Y dược cộng đồng Hà Nội đăng thông tin tuyển thạc sĩ 8 ngành như: toán ứng dụng, quan học, hóa phân tích, văn học Việt Nam, công nghệ sinh học... do Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên cấp bằng, hồ sơ nộp tại Trường ĐH Khoa học hoặc tại trường trung cấp này.

CHỈ CẦN TỚI TRỤ SỞ CHÍNH VÀI LẦN ĐỂ HỌC?

Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi vào vai "học viên" liên hệ số điện thoại của tiến sĩ Phùng Chí Cường, chuyên viên Viện Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ghi trên thông báo tuyển sinh do Trường CĐ Bắc Kạn đăng. Tiến sĩ Cường cho biết: "Do quy chế mới không cho học hoàn toàn tại địa phương nên nếu học viên đậu thì sẽ học một nửa ở Bắc Kạn, trong đó một số buổi có thể học online. Tuy nhiên, mỗi môn sẽ phải học ở Hà Nội một ngày, nên sẽ có khoảng 16 - 17 lần xuống Hà Nội để học".

Trường nghề nhưng tuyển sinh thạc sĩ!- Ảnh 2.

Thông báo tuyển sinh thạc sĩ trên trang web của một trường trung cấp

CHỤP MÀN HÌNH

Theo ông Cường, trường có liên kết với nhiều tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ để tuyển sinh thạc sĩ. "Thi đầu vào cũng dễ nhưng nặng nhất là ngoại ngữ. Trường có thể hỗ trợ đầu vào nhưng đầu ra học viên cần có chứng chỉ quốc tế nên đây là rào cản lớn", tiến sĩ Cường chia sẻ thêm.

Tiếp tục liên hệ số điện thoại trong thông báo tuyển sinh của Trường trung cấp Công nghiệp Bình Dương, chúng tôi được một cán bộ tuyển sinh cho biết hiện nay sĩ số đăng ký tại trường hơi ít nên giới thiệu cho một cán bộ khác ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) để đăng ký. Theo số điện thoại mới này, người nghe máy giới thiệu mình là nhân viên tuyển sinh tại Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, đơn vị liên kết với Trường ĐH Đồng Tháp và là "trạm đào tạo từ xa của trường ĐH này để đào tạo thạc sĩ".

"Hiện tại ở đây đang tuyển sinh đợt 2 và đã có 30 hồ sơ. Tháng 9 học viên sẽ được bổ sung kiến thức nếu trái ngành với 3 môn là 3 triệu đồng, tháng 10 học ngoại ngữ để lấy chứng chỉ B1, B2 và tháng 11 chính thức học tại Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức. Do quy định hiện nay không cho phép đào tạo toàn bộ ở bên ngoài nên sẽ chỉ học một số học phần tại Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, còn lại sẽ có vài lần về Trường ĐH Đồng Tháp để học một số học phần", vị cán bộ tuyển sinh này cho hay.

TRƯỜNG ĐH THÊM NGUỒN TUYỂN, TRƯỜNG NGHỀ THÊM NGUỒN THU

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Thành Nhân, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, cho biết đúng là trường có liên kết với Trường CĐ nghề An Giang để tuyển sinh thạc sĩ.

Trường nghề nhưng tuyển sinh thạc sĩ!- Ảnh 3.

Trường ĐH liên kết với trường nghề để tuyển sinh thạc sĩ

CHỤP MÀN HÌNH

"Theo đó, Trường CĐ nghề An Giang sẽ chiêu sinh và nhận hồ sơ. Khi thi tuyển phải về Trường ĐH Sư phạm Huế và tổ chức học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Có 30% học trực tuyến là học viên có thể học tại địa phương, còn 2 học kỳ (70% chương trình) là phải về Huế học", PGS-TS Thành Nhân thông tin.

Theo ông Nhân, trong 2 năm trở lại đây, việc tuyển sinh thạc sĩ vô cùng khó khăn do rào cản về ngoại ngữ, yêu cầu học viên phải có ngoại ngữ bậc 3 trở lên. Số lượng người đăng ký giảm tới 70 - 80%. Trong đợt 1 năm 2024, trường mới nhận được 26 hồ sơ.

"Chính vì vậy, không chỉ Trường ĐH Sư phạm Huế mà nhiều trường khác phải liên kết với một số đơn vị ở các địa phương để thu hồ sơ với hy vọng có thêm nguồn tuyển, không chỉ bậc thạc sĩ mà còn cả bậc ĐH liên thông, ĐH vừa học vừa làm", PGS-TS Thành Nhân chia sẻ thêm.

Việc khó tuyển sinh thạc sĩ chính là một lý do quan trọng khiến không ít trường ĐH phải tìm cách liên kết với nhiều nơi để có thêm nguồn tuyển.

Bên cạnh đó, theo hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM, một số trường nghề do khó khăn trong tuyển sinh nên đã tìm cách liên kết với các trường ĐH thông báo tuyển sinh liên thông ĐH, thạc sĩ... để có thêm nguồn thu từ hồ sơ, dù nguồn thu này cũng không đáng kể.

LO NGẠI CHẤT LƯỢNG NẾU KHÔNG QUẢN LÝ CHẶT

Theo thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD-ĐT (năm 2021), địa điểm đào tạo thạc sĩ là trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo; các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế được tổ chức ở ngoài cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 20% khối lượng chương trình đào tạo.

Như vậy, quy chế này không cho phép trường ĐH liên kết với với các cơ sở khác để đào tạo thạc sĩ bên ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu. Nếu một trường CĐ, trung cấp tự nhận trường mình là "trạm đào tạo từ xa để đào tạo thạc sĩ cho trường ĐH" là sai quy chế. Kể cả việc dùng cách quảng bá như vậy để thu hút hồ sơ dù thực tế không phải, cũng là sai.

Cũng theo quy chế, cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp.

Hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM nhận định: "Nếu như trường nghề chỉ thu giùm hồ sơ, rồi trường ĐH tổ chức đào tạo đúng theo quy chế thì không sao. Nhưng nếu việc đào tạo không đảm bảo đúng quy định, ví dụ như đào tạo ngoài trường, đào tạo trực tuyến nhiều hơn quy định... mà lại không được Bộ GD-ĐT kiểm tra giám sát, thì không biết chất lượng của những chương trình đào tạo theo dạng "liên kết" này sẽ ra sao".

Số lượng học viên cao học ngày càng giảm

Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, từ quy mô đào tạo thạc sĩ là 106.000 (năm 2017) đến nay chỉ còn 88.243 học viên. Trung bình mỗi năm, hàng chục ngàn chỉ tiêu thạc sĩ không có người học. Ngay cả những trường ĐH lớn, số lượng học viên cao học cũng giảm trong mấy năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.