(TNTS) Giữa thời buổi người người mê hát, thì việc đi học nhạc âu cũng là điều cần thiết. Cho nên cô giáo Bích Thủy mới tâm huyết mở một trường nhạc nho nhỏ để dắt tay các em từng bước vỡ lòng bước qua cây cầu âm nhạc...
Thạc sĩ Bích Thủy và giờ dạy đàn - Ảnh: NS cung cấp
|
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy là giảng viên của Nhạc viện TP.HCM, từng đi du học tại Liên Xô 10 năm, và từng đứng lớp tại các trường Đại học Sài Gòn, Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm TP.HCM, giờ mới về hưu nên cô có thể dồn hết tâm huyết của mình cho Trường nhạc Hải Âu do cô thành lập. Mở trường từ năm 2000, đến nay trường đã có nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con. Thật sự cô giáo Bích Thủy dịu dàng mà nghiêm túc khiến các ông bố bà mẹ thấy an tâm. Không chỉ được học đàn, các em còn được học ở cô một phong thái lịch sự, một ý chí rèn nghề, và cả những chuyện nhỏ nhặt đời thường để các em trưởng thành. Cô mỉm cười: “Nhiều khi thấy em học trò đó không có tài năng bao nhiêu, chỉ học đàn cho vui, nhưng bố mẹ các em nhất định gửi cho tôi “giữ” để an tâm đi làm việc. Thôi thì, cứ cho em đàn, dù không thành nghệ sĩ thực sự nhưng cũng thành một người biết thưởng thức cái đẹp, biết yêu cuộc sống và trân trọng người khác. Nghệ thuật dạy cho người ta vậy đó!”.
Hỏi cô không ngán khi dạy những cô bé cậu bé học vỡ lòng từng nốt đầu tiên với đôi bàn tay vụng về lóng ngóng? Cô nói: “Thì đó, ai dạy vỡ lòng cũng ngán, vì các em còn vụng, mình phải uốn từng ngón tay. Nhưng không có người đặt viên gạch vỡ lòng thì làm sao có những nấc thang tiếp theo. Tôi tâm nguyện phải cho các em học đàng hoàng tử tế từng bước căn bản chứ không dạy nhảy cóc cốt làm cho bố mẹ em vui lòng”. Thực sự có những nơi chuyên dạy cho các em học từng bài, học về là đánh được ngay cho bố mẹ nghe, họ mê tít. Nhưng cô Bích Thủy thì khác, cô kiên quyết dạy cho các em nắm thật vững căn bản, để sau này nhìn vô nhạc phổ là đàn được, chứ không chỉ “thuộc bài tủ”. Học như thế thì chậm, ai không kiên nhẫn sẽ dễ bỏ cuộc. Nhưng cô Bích Thủy cũng có phương pháp sư phạm rất hay giúp các em học căn bản mà tiếp thu rất nhanh. Nhờ vậy các em vượt qua nỗi mặc cảm, đi tiếp con đường.
|
Lớp học có đủ các môn: piano, guitar, saxophone, violin, organ, đàn tranh, thanh nhạc, hợp xướng, sáng tác và hòa âm phối khí trên vi tính... tha hồ cho các em lựa chọn. Cô Bích Thủy ngoài việc tự mình đứng dạy, còn mời thêm các giảng viên khác đến phụ trách bộ môn mà họ giỏi nhất. Và với mỗi bộ môn, cô Bích Thủy đều trang bị đàn và phòng học riêng để các em tập trung tập dượt. Cô nhận học viên từ 5 tuổi cho đến người lớn, nếu cần kèm cặp một thầy một trò cho chất lượng thì cũng có lớp riêng. Học viên học ca sáng chiều tối đều có. Cô nói: “Nhưng đa số là chọn lớp chiều, sau giờ tan học hoặc tan ca, vì lúc đó các em thảnh thơi hơn”.
Lâu lâu cô giáo còn dẫn các em đi biểu diễn nữa. Lắm khi cô phải bỏ tiền túi ra để các em tập dượt, xe cộ, ăn uống... nhưng cô rất vui. Thực sự đồng lương nhà giáo nào thì cuối cùng cũng eo hẹp, nhưng vì cô trót yêu nghề nên cô một lòng truyền nghề lại cho lớp trẻ, không so đo tính toán. Tiếng đàn trôi vào tuổi thơ mang theo bao nhiêu mộng đẹp... Tiếng đàn chở cả bài học làm người...
Bình luận (0)