Trường phi lợi nhuận không được chia lợi nhuận tích lũy

Quý Hiên
Quý Hiên
25/03/2019 07:58 GMT+7

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục đại học bổ sung, sửa đổi.

Theo dự thảo này, các trường đại học tư thục có thể chuyển thành đại học phi lợi nhuận hoặc các trường đại học có thể liên kết thành đại học...

Đại học tư thục thành phi lợi nhuận


Theo dự thảo nghị định dẫn thực hiện luật Giáo dục đại học (ĐH) bổ sung, sửa đổi, trường ĐH tư thục muốn chuyển đổi sang trường ĐH hoạt động không vì lợi nhuận thì phải làm hồ sơ, trong tờ trình đề nghị chuyển đổi nêu rõ sự cần thiết phải chuyển đổi; tôn chỉ, mục đích hoạt động không vì lợi nhuận; phần vốn góp, phần tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của cơ sở giáo dục ĐH tư thục.
Trong hồ sơ còn phải có văn bản cam kết của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục chuyển sang cơ sở giáo dục ĐH hoạt động không vì lợi nhuận, bảo đảm thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức. Phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ĐH tư thục. Trường cũng phải nộp các minh chứng kèm theo gồm báo cáo kết quả kiểm toán, kết quả định giá; đất đai, tài sản, tổ chức và nhân sự của cơ sở giáo dục ĐH tư thục chuyển sang cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận...

Trường đại học nâng cấp thành... đại học

Theo dự thảo nghị định, trường ĐH có thể “nâng cấp” thành... ĐH. Muốn thế, ĐH cần có ít nhất 5 trường trực thuộc. Để thành lập một trường thuộc trường ĐH thì trường phải có tối thiểu 5 ngành thuộc cùng một nhóm ngành đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó có tối thiểu 3 ngành đang đào tạo đến trình độ tiến sĩ, đã cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh tốt nghiệp; có quy mô đào tạo từ 3.000 người học trở lên; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH.
Hồ sơ thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH gồm đề án thành lập nêu rõ sự cần thiết thành lập trường, giải pháp thực hiện đề án; các minh chứng về điều kiện thành lập trường; văn bản đồng ý của cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục ĐH công lập hoặc đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với cơ sở giáo dục ĐH tư thục.
Hội đồng trường của cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH. Đồng thời, có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của trường ĐH. Trong hồ sơ chuyển trường ĐH thành ĐH phải nêu các giải pháp giải quyết rủi ro khi tiến hành chuyển đổi, nếu có và đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản cũng như phương án xử lý.
Nếu một ĐH được nâng cấp từ các trường ĐH đã có sẵn thì yêu cầu đơn giản hơn, đó là chỉ cần liên kết ít nhất 3 trường ĐH (đã được kiểm định) lại với nhau, các trường ĐH tham gia liên kết này phải cùng loại hình (trừ trường hợp trường ĐH tư thục và trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành ĐH tư thục không vì lợi nhuận).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.