>> Gian nan làm phim sử Việt: Trường quay hoang tàn
Điểm du lịch
Bắt đầu từ năm 2008, trường quay Cổ Loa được phục hồi, nâng cấp, cải tạo với mục đích đầu tiên là phục vụ sản xuất các bộ phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sau là các bộ phim điện ảnh, truyền hình trong nước nói chung. Tuy nhiên vào thời điểm đó, trường quay chỉ phục vụ sản xuất hai bộ phim là Huyền sử thiên đô và Thái sư Trần Thủ Độ. Và từ 2010 đến nay, chỉ có lẻ tẻ vài ba đoàn làm phim tìm đến đây, như Thiên mệnh anh hùng, sắp tới là Đập cánh giữa không trung và Bác Hồ nhà tiên tri. So với con số đầu tư hơn 106 tỉ đồng, số lượng dự án phim thực hiện tại trường quay Cổ Loa chỉ đếm trên đầu ngón tay là chưa tương xứng.
|
|
Trong khi ngồi chờ các dự án phim đổ về, những nhà quản lý đã tính tới hướng đi khác: biến trường quay Cổ Loa thành điểm du lịch. Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc trường quay cho biết, việc tổ chức tour du lịch tại đây được thí điểm từ tháng 3.2013 dành cho các đoàn khách có số lượng trên 100 người. Du khách đến đây được mặc quần áo của vua, chúa, tham quan nơi thiết triều của nhà vua, khu sinh thái, xem các trích đoạn phim, các tiết mục hát múa... Ngoài ra, những cặp vợ chồng có nhu cầu tổ chức đám cưới vàng, cưới bạc, hay đám cưới theo kiểu cung đình, thực hiện video clip tại trường quay cũng sẽ được đáp ứng. Năm sau nhà quản lý còn hướng đến đối tượng du khách là học sinh. “Chúng tôi vừa làm vừa học”, ông Hòa hào hứng nói.
Còn nhớ sau khi hai bộ phim Huyền sử thiên đô và Thái sư Trần Thủ Độ hoàn thành, bối cảnh cung điện, thành quách xưa... không được giữ gìn, hư hỏng hết. Tuy nhiên, thời gian tới theo ông Hòa, trường quay sẽ kết hợp với các đoàn làm phim giữ lại bối cảnh để mở cửa cho khách tham quan lẻ. Nhưng, “ý tưởng thì lớn còn dự án này vẫn phụ thuộc vào các đoàn làm phim”, ông Hòa kết luận.
Trên thế giới, mô hình kết hợp tổ chức các tour du lịch tại trường quay rất phổ biến. Các nhà quản lý trường quay Cổ Loa khá nhanh nhạy khi áp dụng mô hình kinh doanh này. Nhưng vấn đề đặt ra là, trường quay Cổ Loa vẫn chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục còn dang dở, liệu có quá vội vã khi chưa tập trung hoàn thành việc xây dựng và phát huy hết công năng cho ngành điện ảnh - được coi là mục đích chính - thì đã nghĩ tới kinh doanh du lịch.
Nhiều hạng mục vẫn lửng lơ
Theo dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo giai đoạn 2 được đưa ra từ năm 2011, trường quay Cổ Loa sẽ được xây dựng thêm 2 trường quay nội với diện tích 2.000 m2, 3 trường quay nội 1.000 m2, trường quay dưới nước, cụm rạp chiếu phim... Nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là những mô hình. Giải thích về thực trạng này, ông Hòa nói: “Chủ trương là có nhưng từ dự án để trở thành hiện thực phải phụ thuộc phần lớn vào nhà nước”. Nguyên nhân chính là do “những năm qua kinh tế khó khăn”. Tuy nhiên, ông cho biết: “Trong tương lai, dự án vẫn sẽ được thực hiện, chỉ có điều chậm một chút”.
Đây là niềm mong mỏi của các nhà làm phim, nhưng liệu trường quay Cổ Loa hay các trường quay mới có tiếp tục bị rơi vào cảnh dự án treo lơ lửng, hay xây dựng với số vốn lớn để rồi mỗi năm chỉ đón vài ba đoàn phim? Và cũng đã đến lúc, nhà quản lý có tầm nhìn xa hơn: kinh doanh trường quay không chỉ với các nhà làm phim trong nước, mà hướng đến thị trường quốc tế.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trường quay Cổ Loa sẽ tiếp tục được phát triển trong giai đoạn từ 2013-2020, tỷ lệ ngân sách đầu tư chiếm khoảng 60% còn lại là huy động xã hội hóa. Ngoài ra, bản dự thảo cũng đề cập đến việc quy hoạch xây dựng thêm trường quay ngoại diện tích từ 70 - 120 ha tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khu Đồng Mô hoặc Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình). |
Ngọc An
>> NSƯT Đặng Tất Bình còn “máu” với Huyền sử Thiên Đô
>> Đường tới thành Thăng Long" thay "Huyền sử thiên đô
>> Hậu trường "Huyền sử thiên đô
>> Huyền sử thiên đô" - thêm một phim về Lý Công Uẩn
>> Rich Ting đóng phim "Huyền sử Thiên Đô
>> Chóng mặt" ở trường quay
Bình luận (0)