Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nợ tiền phụ huynh: Phải chăng có lỗ hổng pháp luật?

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nợ tiền phụ huynh: Phải chăng có lỗ hổng pháp luật?

26/03/2024 08:00 GMT+7

Để làm rõ về hình thức nợ tiền phụ huynh của lãnh đạo Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) và những vấn đề pháp lý liên quan đang được dư luận quan tâm, phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với luật sư Võ Xuân Trung, Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh Sao Mai, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Thời gian gần đây, những bê bối xoay quanh vụ việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (gọi tắt là AISVN, có trụ sở ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) nợ phụ huynh gần cả ngàn tỉ đồng và cho học sinh tạm nghỉ học vì giáo viên đình công đang gây “sốt” trong dư luận. Đáng chú ý là việc học sinh phải tự học ở căn tin vì không có giáo viên.

Trước đó, khi con bắt đầu vào trường học, rất nhiều phụ huynh đã chi hàng tỷ đồng cho nhà trường để “đầu tư vào giáo dục”, đổi lại việc học sinh học tại trường trong khoảng thời gian dài. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc không học nữa thì Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam sẽ hoàn trả số tiền trên trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, gần đây, khi đến hạn trả lại số tiền này cho phụ huynh, nhà trường vẫn không hoàn trả vì lý do đang gặp khó khăn tài chính khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nợ tiền phụ huynh: Phải chăng có lỗ hổng pháp luật?- Ảnh 1.

Biên bản cuộc họp giữa phụ huynh và đại diện Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam ngày 17.3.2024.

NVCC

Để làm rõ về hình thức “đầu tư giáo dục” này và những vấn đề pháp lý liên quan, phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với luật sư Võ Xuân Trung, Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh Sao Mai, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Theo luật sư Võ Xuân Trung, đây là hình thức huy động vốn mới xuất hiện ở Việt Nam, bắt nguồn từ việc luật pháp còn những khoảng trống chưa dự liệu được.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nợ tiền phụ huynh: Phải chăng có lỗ hổng pháp luật?- Ảnh 2.

"Nếu người ta không đầu tư cho giáo dục thì tôi nghĩ là người ta đã vi phạm cam kết với phụ huynh, cụ thể là có một hợp đồng, trong hợp đồng ghi rõ là đóng số tiền bao nhiêu đó thì mục đích sử dụng tiền là gì. Cái vi phạm đó cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự, tại vì đó là lạm dụng tín nhiệm để huy động một số tiền nhưng mà không đầu tư cho giáo dục", luật sư Võ Xuân Trung chia sẻ.

CHIÊU NGÔ

Nói về trách nhiệm pháp lý, ông Trung cho rằng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xác định xem số tiền mà Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam vay từ phụ huynh có thật sự phục vụ cho mục đích giáo dục hay không.

"Hiện nay luật hình sự quy định rõ nếu vi phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tiền bạc thì sẽ bị xử lý hình sự. Mức án cho tội này có thể lên tới 7-8 năm tù, 10 năm tù tùy theo hành vi, mức độ chiếm đoạt số tiền bao nhiêu" - ông Trung cho hay.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa TP.HCM hôm 21.3.2024, bà Lê Thụy Mỵ Châu (Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM) cho biết, Sở GD - ĐT đã báo cáo với UBND TP.HCM và tính toán các phương án giải quyết. Sở cũng thành lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh, tổ xử lý đơn thư liên quan đến Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị trưởng phòng GD - ĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; hiệu trưởng các trường THPT, trường có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận học sinh từ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có nhu cầu chuyển đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.