Bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Đánh cắp, rao bán thông tin cá nhân có thể đi tù

Bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Đánh cắp, rao bán thông tin cá nhân có thể đi tù

17/03/2023 14:39 GMT+7

Bẫy lừa "con đang cấp cứu" đang lan rộng ra khắp cả nước với những thủ đoạn mới tinh vi. Vậy tại sao kẻ lừa đảo có được những thông tin chi tiết về học sinh, phụ huynh và cả cơ sở giáo dục? Luật sư Lê Ngọc Luân (Hãng luật Gold Key) đã có những nhận định về vấn đề này từ góc độ pháp lý.

Thời gian qua, bẫy lừa "con đang cấp cứu" đang lan rộng khắp cả nước với những thủ đoạn mới tinh vi. Bắt đầu ở TP.HCM từ đầu tháng 3.2023, chưa đầy nửa tháng, chiêu trò lừa đảo nhắm vào phụ huynh học sinh này đã xuất hiện tại Hà Nội, Long An và Đà Nẵng. Các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý hoang mang của phụ huynh, tự xưng là giáo viên của con và gọi điện thông báo học sinh vừa bị tai nạn tại trường, cần chuyển tiền để đóng viện phí phẫu thuật gấp.

Câu hỏi đặt ra là từ đâu mà kẻ lừa đảo có được những thông tin chi tiết về học sinh, phụ huynh và cả cơ sở giáo dục? Những tổ chức, cá nhân cố tình phát tán những thông tin này để trục lợi sẽ bị xử lý như thế nào?

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Niên đã có buổi trao đổi với luật sư Lê Ngọc Luân, Hãng luật Gold Key.

Từ bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Đánh cắp, rao bán thông tin cá nhân có thể bị phạt tù

"Đây là một tình trạng hết sức nan giải bởi vì thông tin cá nhân là thông tin bảo mật nhưng lại bị bán hoặc chia sẻ, mà người bị bán hoặc chia sẻ hoàn toàn không biết. Cái này cần một quy định để đấu tranh, phòng ngừa và chống lại việc này để hạn chế tối đa thông tin cá nhân của tất cả mọi người không bị tiết lộ cho bên thứ ba nếu như chưa có sự đồng ý của mình", ông Luân chia sẻ.

Cũng theo luật sư Luân, đối với trường hợp thông tin cá nhân bị tin tặc đánh cắp rồi phát tán, rao bán trên internet hoặc sử dụng trái phép thì sẽ bị xử phạt tối đa 7 năm tù và có thể bị xử phạt bổ sung, căn cứ theo điều 288 Bộ luật hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Trong trường hợp tin tặc tiếp tục sử dụng thông tin cá nhân đã đánh cắp được để thực hiện hành vi lừa đảo thì có thể bị xử lý thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dù pháp luật đã quy định rõ chế tài đối với hành vi chiếm đoạt, chia sẻ và rao bán thông tin cá nhân nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí với mức độ nghiêm trọng và khó lường hơn. Dễ thấy nhất là bẫy lừa "con đang cấp cứu". Những dòng tin nhắn với nội dung "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp" đã đánh vào tâm lý hoang mang, lo lắng của các bậc làm cha làm mẹ, để rồi dễ dàng chuyển khoản hàng chục triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh bình tĩnh suy nghĩ thì có thể thấy việc đóng viện phí trước rồi mới được cấp cứu là vô lý và trái với y đức.

Bẫy ‘con đang cấp cứu’: Đánh cắp, rao bán thông tin cá nhân có thể đi tù - Ảnh 2.

"Trong trường hợp này luật đã quy định rất rõ, cụ thể ở đây là khoản 2 điều 13 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Đó là người đứng đầu của cơ sở khám chữa bệnh đó sẽ quyết định vấn đề thực hiện việc cấp cứu cho đứa trẻ đó nếu như không có cha mẹ, không có người giám hộ. Bởi vì ưu tiên, cái quan trọng lớn nhất ở đây là đảm bảo an toàn tính mạng cho đứa trẻ đó. Cần đóng viện phí thì cái đó là cái phụ thôi. Ở đây luật đã quy định rõ là người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh đó họ sẽ phải quyết định để cứu, rồi sau đó việc tiền viện phí hay các vấn đề khác khi liên hệ được với người giám hộ hay cha mẹ sẽ giải quyết sau", luật sư Lê Ngọc Luân cho biết.

CHIÊU NGÔ

Theo ông Luân, để không bị mắc bẫy lừa “con đang cấp cứu” xuất hiện tràn lan, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là giữ bình tĩnh khi nhận cuộc gọi và không chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.