(TNO) “Bộ đội ta đã đặt chân lên Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma nhưng do thời tiết khắc nghiệt, phương tiện cũ kỹ và nhất là sự ngăn cản hung hãn, bất ngờ nổ súng tấn công của phía Trung Quốc nên cả 3 nơi này bị chiếm đóng trái phép” - đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ trưởng 146 trầm ngâm.
Bức vẽ tả lại cảnh bộ đội ta giữ cờ trên đảo Gạc Ma - Ảnh chụp lại
|
>> Trường Sa sau ngày tiếp quản - Kỳ 3: Những chuyến đi bí mật
>> Trường Sa sau ngày tiếp quản - Kỳ 2: ‘Nước là máu’
>> Trường Sa sau ngày tiếp quản - Kỳ 1: Chết vì… rau xanh
Vị đại tá khẳng định: “Có được 33 điểm đóng quân ở Trường Sa như hôm nay là nhờ Chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ-88) và những năm 1987-1988, máu đào của bộ đội không chỉ ướt đẫm Gạc Ma, Cô Lin mà còn ở nhiều đảo chìm khác”.
Gian nan Chữ Thập, sóng gió Châu Viên
Đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ trưởng 146 kể: “Ngày 24.10, Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho các đảo của Lữ đoàn chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu và ngày 25.10 phải nhanh chóng đóng thêm 4 điểm đảo (Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập)”.
|
Ngày 28.12, tàu HQ-604 lại đưa bộ đội và vật liệu xây dựng ra Đá Tây và ngày 18.8, làm nhà cấp 3, thực hiện đóng giữ. Ở các điểm khác, kế hoạch đóng giữ như dự kiến không thể thực hiện được do thời tiết quá khắc nghiệt.
Đại tá Nguyễn Văn Thái, nguyên Chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng - Công tác Chính trị, Học viện Hải quân “bật mí”: “Hồi ấy phân đội chúng tôi đã đóng giữ ở Chữ Thập gần 1 tháng trời, nhưng sau phải rút về bởi lương thực - thực phẩm hết và anh em ngâm nửa người trong nước suốt ngày đêm, chịu không nổi” và lắc đầu: “Cuối năm mùa mưa bão, đảo nổi còn khó sống nữa là bãi đá khắc nghiệt”.
Xin được nhắc lại: từ tháng 10.1987, tình hình hoạt động của đối phương quanh các đảo ta gia tăng bất thường, các tàu trinh sát nước ngoài giả dạng đánh cá liên tục xuất hiện ở Sinh Tồn, An Bang, Đá Tây, Song Tử Tây, Trường Sa Đông.
Ngày 30.1, tàu HQ-611 và tàu HQ-712 do Lữ trưởng Phán chỉ huy, nhận lệnh của BTL Hải quân, cơ động từ Trường Sa Đông về đóng giữ ở đá Chữ Thập.
6 giờ ngày 30.1 khi cách Chữ Thập 5 hải lý, biên đội bị 4 tàu chiến của Trung Quốc (2 tàu 502 và 2 tàu 503), ra ngăn cản tàu, có lúc chỉ cách 300m, không cho tàu ta tiếp cận, tàu của ta phải quay về Trường Sa Đông.
Phương án đóng giữ Châu Viên đã được chuẩn bị từ lâu và ngay cuối năm 1987. Bằng mọi cách chốt giữ Châu Viên, phương án của ta là bên cạnh việc khảo sát, đồng thời sẵn sàng lực lượng đổ bộ đóng giữ trên đảo từ ngày 13.2 và khi cần sẽ sử dụng tàu HQ-851 để ủi bãi giữ đảo.
Ngày 18.2, tàu HQ-851 và HQ-614 thực hiện khảo sát đóng giữ nhưng do sóng quá to, tàu rê neo, tàu Trung Quốc ép tàu ta liên tục và đến 19.2, tàu HQ-851 hỏng máy nên không thực hiện được kế hoạch đóng giữ Châu Viên.
Tàu HQ-604 trước khi bị bắn chìm tại bãi Gạc Ma - Ảnh: Tư liệu Lữ đoàn 146
|
Lúc này, Quân chủng Hải quân lệnh: “Các tàu, các đảo nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Khi gặp tàu địch, tránh khiêu khích, nếu địch nổ súng vào ta thì kiên quyết đánh trả”.
Thảm sát Gạc Ma
Nhớ lại sự kiện 14.3.1988 trên vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, đại tá Phạm Công Phán rành mạch: “Chúng tôi đã đổ bộ lên chốt giữ, xây dựng Gạc Ma, Cô Lin từ rạng sáng 14.3 và khi Trung Quốc bất ngờ tấn công, bộ đội ta đã dùng các súng, đánh trả quyết liệt”.
Theo ông Phán, ngày 13.3, tàu HQ-604 do Đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng xuất phát từ Đá Lớn (chở 2 khung nhà cấp 3, 2 phân đội xây dựng của Trung đoàn 83, 2 tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146, do Trung tá Trần Đức Thông, Lữ phó chỉ huy), nhập với tàu HQ-505 do Thiếu tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, nhận lệnh tới Cô Lin, Gạc Ma.
Lữ đoàn trưởng 146 Phạm Công Phán (áo trắng, hàng đứng, đầu tiên từ phải qua trái) cùng bộ đội chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (ngồi giữa) trên đảo Trường Sa, trong chuyến công tác ra thăm, kiểm tra các đảo, tháng 5.1988 - Ảnh: Nguyễn Viết Thái
|
Tàu HQ-605 do đại úy Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh sang Len Đao.
16 giờ ngày 13.3, tàu HQ-604 đến Gạc Ma, HQ-505 thả neo an toàn. Khoảng 30 phút sau, tàu hộ vệ tên lửa 502 của Trung Quốc từ đá Huy Gơ chạy xuống, áp sát tàu ta 500m rồi đi về phía tây cách ta 5-6 hải lý. Ta cương quyết bám giữ và dự kiến 20 giờ ngày 14.3 sẽ lên đảo, đưa vật liệu xây dựng làm nhà. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng, Bộ tư lệnh Hải quân lệnh cho Lữ phó Trần Đức Thông và 2 thuyền trưởng HQ-505, HQ-604 “Quyết giữ mục tiêu Gạc Ma và Cô Lin; cho phép ủi bãi để giữ 2 đảo; khẩn trương chuẩn bị vật liệu làm nhà”.
“Thời điểm này, các tàu Trung Quốc luôn bám sát tàu ta, riêng tàu 502 vào sát tàu HQ-604 khoảng 3 hải lý và các tàu của chúng không thắp đèn”, đại tá Vũ Huy Lễ (khi đó là thiếu tá, thuyền trưởng HQ-505, Lữ đoàn 125) nhớ vậy và khẳng định: 3 giờ sáng ngày 14.3, ta tổ chức cắm cờ ở Gạc Ma; 6 giờ 30, tàu HQ-505 hoàn tất cắm cờ ở đảo Cô Lin.
Mít tinh phản đối Trung Quốc nổ súng ngày 14.3.1988 tại Trường Sa - Ảnh: NVT
|
Gần sáng, ngoài tàu 502 của Trung Quốc bám sát tàu HQ-604, có thêm 3 tàu chiến có trang bị tên lửa, pháo 100mm của Trung Quốc tiến về Gạc Ma, khiêu khích đe dọa.
5 giờ 5 phút, tàu Trung Quốc hạ xuồng đưa lực lượng vào đảo, dàn hàng ngang giương lưỡi lê xông về phía ta cắm cờ. Tên chỉ huy hung hăng quát bằng tiếng Việt: “Đây là lãnh thổ của Trung Quốc, các anh rút khỏi đây ngay”. Thiếu úy Trần Văn Phương, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (Lữ đoàn 146) trả lời : “Đây là lãnh thổ của Việt Nam, các anh đã xâm phạm, hãy rút khỏi đây, đừng gây đổ máu vô ích”.
Thiếu tá Vũ Huy Lễ và các thủy thủ tàu HQ-505, tháng 5.1988 - Ảnh: NVT
|
Thấy bộ đội ta không chịu lùi bước, lính Trung Quốc xông vào cướp cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cương quyết giữ và bị lính Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm, sau đó dùng súng ngắn bắn trọng thương. Thấy vậy, thiếu úy Phương lao vào cứu đồng đội, bị lính Trung Quốc nổ súng bắn chết ngay tại chỗ.
Cùng lúc ấy, tàu 502 của Trung Quốc bắn pháo hiệu cho các tàu chiến đồng loạt nổ súng tấn công vào các tàu vận tải của ta HQ-604 và HQ-605, sau đó bắn vào cả tàu HQ-505 đang neo đậu bên đảo Cô Lin.
Thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh cho HQ-505 nhổ neo ủi bãi, bất chấp đạn pháo từ 2 tàu 502 và 531 của Trung Quốc. 8 giờ sáng, HQ-505 lên được bãi cạn với 2/3 thân tàu bốc cháy. Tàu HQ-605 đưa bộ đội lên cắm cờ ở Len Đao và 8 giờ 30 bị tàu 556 của Trung Quốc bắn cháy.
Lịch sử Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân ghi rõ: “Cuộc chiến đấu không cân sức ấy tuy có gây tổn thất cho ta, nhưng mãi mãi sáng ngời tấm gương bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ ta” và đưa ra con số chính xác: “Qua cuộc đụng độ, 64 đồng chí hy sinh và mất tích, trong đó Lữ đoàn có 19 đồng chí, tàu HQ-604 bị chìm, tàu HQ-605 và HQ- 505 bị thiệt hại nặng”...
... “Sự kiện 14.3.1988, hoàn toàn là một hành động có tính toán nằm trong mưu đồ xâm lược của Trung Quốc, chúng lại còn đổi trắng thay đen vu cáo Việt Nam nổ súng tấn công tàu khảo sát của Trung Quốc.
Hành động gây chiến trên, không chỉ là cuộc đụng độ của hai lực lượng trên biển mà nó đã được sắp đặt từ chóp bu của nhà cầm quyền Trung Quốc. Ngay khi chiến sự đang xảy ra trên biển, 9 giờ ngày 14.3.1988, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa công hàm cho Đại sứ quán ta, vu cáo Việt Nam nổ súng khiêu khích Trung Quốc. 12 giờ, chúng tổ chức họp báo nhằm bóp méo sự thật che đậy âm mưu và hành động tội ác của Hải quân Trung Quốc. 14 giờ cùng ngày, Đài Truyền hình Trung Quốc đã đưa tin về sự kiện đụng độ trên biển.18 giờ tối, Đài Tiếng nói Trung Hoa đưa tin xuyên tạc và nói xấu Việt Nam”...
(Lịch sử Lữ đoàn 146, BTL Vùng 4 Hải quân)
|
Tàu chiến 577 của Trung Quốc (bìa trái) khiêu khích tàu vận tải của ta trên vùng biển Trường Sa, tháng 5.1988 - Ảnh: NVT
|
Chứng minh sĩ quan của trung tá Phạm Công Phán, Lữ trưởng 146 - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Bộ đội Trường Sa ăn cơm ngay trên mâm pháo, trong giờ trực chiến tháng 5.1988 - Ảnh: NVT
|
Tàu HQ-931 chở thương binh và liệt sĩ tham gia trận 14.3.1988 cập cảng Cam Ranh - Ảnh chụp lại tại Nhà Truyền thống Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân
|
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 146 trong Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh trận 14.3.1988 - Ảnh chụp lại
|
Tàu Hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng (Lữ đoàn 162, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân) tuần tra trên vùng biển Trường Sa, ngang qua bãi Gạc Ma do Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 14.3.1988 (ảnh chụp tháng 12.2014) - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Bãi đá Gạc Ma đang được Trung Quốc gấp rút xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo (ảnh chụp tháng 12.2014) - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Đảo Cô Lin (bìa phải), bên cạnh là tàu Hộ vệ tên lửa của Trung Quốc neo đậu trái phép (ảnh chụp tháng 12.2014) - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Đảo Len Đao (ảnh chụp tháng 5.2013) - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 nghỉ hưu tại quê nhà Thái Bình - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Bình luận (0)