Điều này lại một lần nữa cho thấy sự vô lý, bất công của mô hình công lập chất lượng cao (CLC) tại thủ đô.
Trường công tốt “chỉ dành cho con nhà giàu”?
Thông tin các trường THPT tốp đầu của Hà Nội là Chu Văn An, Kim Liên và Phan Đình Phùng sẽ chuyển sang mô hình trường CLC, thu học phí cao đang khiến không ít phụ huynh có con đang học tại các trường này hoặc chuẩn bị thi vào trường hoang mang. Cả 3 trường đang “rậm rịch” chuyển mô hình trường THPT CLC đều là những trường năm nào cũng dẫn đầu về mức điểm chuẩn vào lớp 10. Cao nhất là Chu Văn An (hệ không chuyên) với 43,25 điểm và Kim Liên, Phan Đình Phùng thường có mức điểm chuẩn cao thứ nhì toàn TP.
|
Chị Nguyễn Thị Điệp, có con học lớp 10 Trường THPT Kim Liên, cho biết năm nay con gái chị phải nỗ lực và ôn thi rất vất vả mới đỗ vào Trường THPT Kim Liên, vì đây là trường có điểm chuẩn cao. “Nếu trường chuyển sang mô hình CLC, thu học phí cao thì gia đình tôi phải tính đến chuyện chuyển trường cho con”, chị Điệp nói.
Nhiều phụ huynh khác cũng than thở về việc tại sao Hà Nội cứ trường danh tiếng, tốp đầu lại chuyển sang mô hình tự chủ, học phí cao? Với mức học phí lên tới 5 - 7 triệu đồng/tháng thì liệu các cháu học khá, giỏi mà điều kiện kinh tế trung bình, hoặc thậm chí khó khăn, có còn cơ hội học trường tốt hay không?...
Trước băn khoăn của phụ huynh, các trường Kim Liên và Phan Đình Phùng đã có “thông báo” chính thức trên website của trường với cùng nội dung: Năm học 2020 - 2021, trường vẫn hoạt động theo mô hình trường công lập với mức thu học phí theo đúng quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ là 217.000 đồng/tháng/học sinh (HS) ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12, và duy trì trong những năm học tiếp theo. Hiện UBND TP.Hà Nội và Sở GD-ĐT chưa phê duyệt chuyển đổi sang mô hình trường CLC tự chủ tài chính; do đó học phí chưa có sự thay đổi. Trong những năm tiếp theo, nếu được phê duyệt thì nhà trường sẽ thực hiện lộ trình bắt đầu từ lớp 10 mới. Nhà trường sẽ công khai thông tin về mô hình, học phí… trong thông báo tuyển sinh để cha mẹ HS, HS biết để lựa chọn đăng ký vào trường. Các lớp 11, 12 vẫn tiếp tục thực hiện theo mô hình đại trà với mức học phí theo quy định.
Thông tin khiến phụ huynh “ngồi trên đống lửa” hiện nay trên thực tế không phải là tin đồn vô căn cứ. Năm 2019, UBND TP.Hà Nội ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2021. Theo kế hoạch, sẽ phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Trước kế hoạch được đề ra, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu Sở GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao, hoặc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các trường theo hướng mô hình CLC.
Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề xuất với UBND TP.Hà Nội về việc chuyển các trường này theo hướng mô hình trường CLC và giao cho chính các trường xây dựng đề án để trình. Hiện nay UBND TP.Hà Nội chưa phê duyệt các đề án này.
Trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này đang trình UBND TP.Hà Nội ban hành nghị quyết theo hướng không làm CLC toàn bộ mà chỉ thực hiện CLC một phần. Có nghĩa, khi thực hiện, năm đầu tiên tuyển sinh, HS lớp 10 sẽ thực hiện mô hình CLC, thu học phí theo mô hình này. Những lớp trên như lớp 11, 12 đang học theo chương trình đại trà, nếu phụ huynh không đồng tình vẫn tiếp tục học và thu học phí theo Nghị định 86 như hiện nay.
Cơ sở giáo dục công lập CLC là nội dung gây nhiều tranh cãiNgười viết bài này đã dự các phiên thảo luận về dự thảo luật về luật Thủ đô, nội dung cơ sở giáo dục công lập CLC cũng là một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ thì cho rằng thủ đô cần có cơ chế đặc thù, trong đó có lĩnh vực giáo dục, nên cuối cùng nội dung này vẫn được giữ ở luật Thủ đô, mặc dù ý kiến trái chiều không phải là ít.
Vì đưa vào luật Thủ đô năm 2012 nên mô hình trường CLC ở Hà Nội bắt đầu được “vận hành” từ năm 2013, đến nay có 20 trường (trong đó có cả trường công lập và tư thục) và mức trần học phí tăng đều qua mỗi năm. Cụ thể, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, trường công CLC thu từ 3,9 triệu đồng/tháng tăng lên 5,7 triệu đồng với cấp THPT.
|
Luật giáo dục không công nhận mô hình công lập CLC
Luật Giáo dục 2019 mà Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1.7.2020) đã không chấp nhận và đưa vào luật mô hình trường công lập CLC. Khi còn là dự thảo trình Quốc hội, trong báo cáo về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, quy định cụ thể nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập (đối với giáo dục mầm non) và trường tư thục.
Đối với mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục CLC, báo cáo cho rằng: “Việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục, không phân biệt trường công lập, trường tư thục. Về quan điểm chung, theo tinh thần của Hiến pháp, nhà nước có trách nhiệm ưu tiên tập trung chăm lo giáo dục đại trà một cách chuẩn mực và bồi dưỡng tài năng; đảm bảo công bằng trong quyền tiếp cận giáo dục, từng bước phổ cập giáo dục, trong đó quan tâm giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Theo đó, luật không quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC để bảo đảm môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong các cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, quy định khuyến khích phát triển mô hình trường dân lập, tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục CLC nhằm huy động sự chia sẻ, tham gia của cộng đồng, của xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học (điều 17)”.
Chính cơ quan soạn thảo trong quá trình soạn thảo luật Giáo dục 2019 cũng chỉ ra bất cập khi cho rằng không luật hóa mô hình này. Trao đổi với PV Thanh Niên khi ấy, ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đồng thời là thành viên Ban Soạn thảo luật Giáo dục 2019, cho rằng: “Muốn đưa vào luật Giáo dục để áp dụng trên cả nước thì trước hết phải làm rõ CLC như thế nào, và phải có tiêu chí của Chính phủ, chứ không thể nói chung chung được”. Ông Thạch cũng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng cơ sở công lập mà cho phép cung cấp dịch vụ giáo dục CLC, thu tiền cao là vô lý ở chỗ: đã được nhà nước cấp đất, xây trường, đầu tư trang thiết bị giáo dục đầy đủ, hiện đại, trả lương cho đội ngũ... mà lại thu học phí cao của dân là không ổn. Như vậy là dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tồn tại và tiếp tục nhân rộng mô hình trường công lập CLC vì cho rằng mô hình này được thực hiện theo quy định trong luật Thủ đô (ban hành năm 2012), dù không nói rõ trường công hay tư. Khoản 3 điều 12 của luật này quy định: “Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC trên địa bàn thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục CLC theo nguyên tắc tự nguyện”.
Ý kiến
Bất công giữa chính các trường côngVấn đề đáng quan tâm nhất chính là việc đối tượng thụ hưởng của các trường công CLC, bởi rõ ràng với các em HS học giỏi nhưng nhà nghèo, thì nhà nước phải có trách nhiệm, vì chúng ta khuyến khích nhân tài, chứ không phải trường tốt chỉ dành cho các em con nhà giàu. Cái khác biệt của trường công lập CLC với các trường tư thục CLC chính là chỗ đấy.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội)
Bất bình đẳng trường công và tưHệ thống trường học phải rất rõ ràng, công ra công, tư ra tư. Trường công lập CLC, nói là tự chủ tài chính nhưng đều do nhà nước bỏ tiền xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư hỗ trợ đội ngũ, trong khi trường tư phải tự chủ hoàn toàn, không được bất cứ hỗ trợ nào kể cả cơ sở vật chất, đội ngũ và định mức tính trên đầu HS. Do vậy, trường công tự chủ tài chính tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn trong cạnh tranh giữa trường công và trường tư. Nếu cứ phát triển trường công CLC, tự chủ thì sẽ ảnh hưởng đến chính sách xã hội hóa trong giáo dục của nhà nước, không khuyến khích được nguồn lực của khối tư nhân trong phát triển giáo dục.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội)
Nên để hệ thống tư nhân làmTrường công CLC thu học phí là cả vấn đề đụng đến luật Giáo dục. Do đó, nên để trường CLC cho hệ thống tư nhân làm. Những người có điều kiện đầu tư cho con học trường CLC không phải là đại chúng, cũng không phải thành phần yếu thế để nhận hỗ trợ từ nhà nước, trong khi các trường tư thục làm được việc này.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie - Hà Nội)
Phải thực hiện đúng luậtCác mô hình trường có thể năng động, sáng tạo theo đặc thù của trường mình nhưng điều kiện tiên quyết là phải thực hiện đúng luật. Cao nhất là Hiến pháp, sau đó là luật Giáo dục và luật Ngân sách, còn các luật khác chỉ là phụ. Đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát địa phương nào làm không đúng thì phải vào cuộc và có kiến nghị với Chính phủ đề xuất biện pháp xử lý.
PGS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13)
|
Bình luận (0)