Trường trung cấp tìm đường tồn tại

03/01/2018 08:23 GMT+7

Rơi vào tình trạng tuyển sinh khó khăn trong một thời gian dài, nhiều trường trung cấp phải tìm hướng đi để 'lấy ngắn nuôi dài' nếu không muốn đối diện nguy cơ giải thể.

Tại TP.HCM, trong mùa tuyển sinh 2017, rất nhiều trường trung cấp (TC) tiếp tục rơi vào khó khăn khi không có người học. Có trường chỉ tuyển được 18 - 30 học sinh cho tất cả các ngành nghề. Trong khi đó các trường vẫn phải vận hành các hoạt động đào tạo, trả lương cho giáo viên, nhân viên, duy trì hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất… nên gần như rơi vào bế tắc về tài chính.
Bà Đào Thị Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường TC Phương Nam, lo lắng: “Chúng tôi là trường ngoài công lập. Nói đến chuyện đóng cửa là một điều vô cùng đau đớn, vì chúng tôi đã đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức và cả tâm huyết cho giáo dục nhưng không tuyển được học sinh, chúng tôi chỉ có chết”.
Vay vốn, mở rộng hoạt động
Hồi tháng 10.2017, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có cuộc họp hướng dẫn các trường cao đẳng (CĐ), TC tiếp cận chương trình vay vốn kích cầu đầu tư của TP.HCM dành cho giáo dục. Đây chính là một trong những cơ hội để các trường thay đổi bộ mặt của mình, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục để thu hút tuyển sinh.
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM, thông tin: “Để tồn tại, chúng tôi buộc thay đổi. Trường đã mua đất từ năm 1996 với giá 50 tỉ đồng, nhưng không có tiền xây, nên chúng tôi dự định sẽ vay để xây trường và đầu tư trang thiết bị cho các ngành điều dưỡng, nấu ăn…”. Ông Sáng cho rằng khi học sinh được thụ hưởng điều kiện học tập tốt, gắn với nhu cầu thực tế thì sẽ nhanh chóng được tuyển dụng khi tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, trường sẽ thu hút được thí sinh.
Bà Đào Thị Ngọc cũng cho biết cơ sở vật chất của Trường TC Phương Nam chưa được đầu tư đầy đủ do thiếu kinh phí, nên cũng sẽ vay vốn để sắm trang thiết bị cho ngành điều dưỡng, hộ lý. Ngoài ra, vốn đó sẽ dùng để xây dựng 2 cơ sở khác của trường. Theo bà Ngọc, cơ sở khang trang, thiết bị hiện đại… sẽ góp phần nâng cao chất lượng. Trường đào tạo đúng những thứ mà doanh nghiệp cần thì sẽ được doanh nghiệp đặt hàng nhiều hơn.
Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn cũng sẽ vay vốn để đầu tư vào ngành điện ảnh và truyền thông mới được nhập chương trình từ Thái Lan.
Bên cạnh đó, các trường cũng phải tự vận động, mở rộng sang nhiều hoạt động khác để có thể “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường TC Tây Sài Gòn, cho biết: “Chúng tôi thành lập thêm trung tâm ngoại ngữ - tin học để vừa dạy tiếng Anh cho học sinh đạt chuẩn đầu ra, vừa thu hút người học từ bên ngoài. Ngoài ra, trường cũng mở các lớp ngắn hạn dạy các nghề may, điện… Nhờ thế, học phí thu được cũng có thể trang trải được 60% kinh phí hoạt động tại trường”. Ông Trần Mặc Khách, Hiệu trưởng Trường TC Mai Linh, cũng thông tin trường phải mở thêm trung tâm ngoại ngữ để có thêm nguồn thu, vừa đào tạo cho học sinh trong trường vừa đáp ứng nhu cầu của người học địa phương nơi trường đóng.
Ông Võ Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng Trường TC Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, thì cho biết trường tổ chức các lớp ngắn hạn buổi tối ở trường và doanh nghiệp các ngành nghề như may - thiết kế thời trang, tin học, vẽ 3D, điện, cơ khí chế tạo, sửa chữa xe gắn máy… “Nhờ vậy, mỗi năm trường cũng có thêm khoản thu 500 triệu để trang trải cho nhiều hoạt động khác”, ông Liêm thông tin.
Ngoài ra, một số trường còn liên kết với các đối tác nước ngoài để đào tạo xuất khẩu lao động và liên kết du học.
Sẽ giải thể những trường hoạt động không hiệu quả
Nghị quyết T.Ư 19 đã có những chỉ đạo đối với các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đó là sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa và có phân tầng chất lượng. Đặc biệt, các trường TC sẽ được sáp nhập vào trường CĐ. Đối với những trường hoạt động không hiệu quả sẽ tiến hành giải thể. 
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết Sở đã rà soát lại hệ thống các trường CĐ, TC trên địa bàn, lập đề án quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 trình UBND TP.HCM. Đến nay, UBND TP đã thông qua, đợi điều chỉnh, góp ý là phê duyệt để ban hành chính thức. Việc sắp xếp lại sẽ được thực hiện trên tinh thần mà Nghị quyết T.Ư vừa chỉ đạo.
Theo ông Lâm, những trường có quy mô tuyển sinh quá ít trong nhiều năm có khả năng bị giải thể nếu trong năm tiếp theo không có dấu hiệu khởi sắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.