Vấn đề càng được quan tâm khi lâu nay các trường này vốn áp dụng chương trình 10 tháng/năm học và cho học sinh (HS) nhập học trước trường công lập ít nhất 1 tháng.
Nhiều trường đã lên lịch tựu trường từ tháng 8
Tại Hà Nội, các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Alpha School, Marie Curie Hà Nội, Vinschool… đều dự kiến tựu trường từ đầu hoặc giữa tháng 8 tới. Các trường này hầu hết đều đã xây dựng kế hoạch giáo dục riêng của nhà trường với thời lượng học tập là 10 tháng/năm, thay vì 9 tháng như các trường công lập, để bổ sung các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, thực hành… cho HS, dựa trên sự cam kết giữa nhà trường và gia đình.
Một số trường công lập tự chủ như Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, trong thông báo tuyển sinh cũng nêu rõ tựu trường là 1.8, và buổi học văn hóa đầu tiên với lớp 6 là 3.8; lớp 10 lịch tập trung HS 7.8 và buổi học văn hóa đầu tiên là 17.8. Trường THPT Phan Huy Chú, THPT chuyên Khoa học tự nhiên… cũng dự kiến tựu trường với lớp 10 từ đầu hoặc nửa cuối tháng 8.
Một số trường trên đã kết thúc năm học và cho HS nghỉ hè từ đầu tháng 6 vừa qua nên việc tựu trường từ tháng 8 cũng bảo đảm HS được nghỉ hè từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho hay ông ủng hộ chủ trương phải có thời gian cho HS nghỉ hè, kể cả trường công hay tư. Nhưng về thời điểm tựu trường, với các trường tư thục và trường tự chủ thì không thể áp đặt một cách máy móc, vì họ có những đặc thù về chương trình dạy học, cam kết thực hiện nhu cầu của cha mẹ HS và tự chủ về tài chính.
Ngoài ra, ông Tùng Lâm cũng cho rằng nhiều trường tư thục, điển hình như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng mà ông đang làm chủ trường, chất lượng đầu vào gần như không có chọn lọc nên nhiều HS có học lực và hạnh kiểm dưới trung bình. Do vậy, rất cần thêm quỹ thời gian trong năm học để phụ đạo cho HS về mặt kiến thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, đạo đức, lối sống… chứ không chỉ học hết tiết trong chương trình là đạt yêu cầu.
Do vậy, ông Tùng Lâm kiến nghị Bộ cần nêu rõ trong quy định về khung kế hoạch thời gian năm học để đảm bảo quyền tự chủ của các trường, thay vì giao cho các địa phương quyết định, vì điều này rất dễ dẫn đến việc các địa phương thực hiện một cách máy móc, áp đặt.
Cho phép trường tư được bổ sung 4 tuần dạy học
Năm 2017, khi Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu các trường tư thục cũng phải thực hiện lịch tựu trường giống như hệ thống trường công lập, một nhóm lãnh đạo các trường tư thục đã có “tâm thư” để phản đối việc này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nêu quan điểm các trường ngoài công lập được nhà nước cho phép hoạt động và được hoạt động theo cơ chế đặc thù do Bộ GD-ĐT ban hành. Ngoài việc chấp hành các quy định pháp luật nhà nước, các trường tư thục còn phải hoạt động theo thỏa thuận với cha mẹ HS, tự lo về nguồn tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh, bảo đảm sự tồn tại và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và có trách nhiệm trong những cam kết và thỏa thuận với cha mẹ HS.
Tiến sĩ Hòa cũng viện dẫn năm 2011 Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 13 về quy chế hoạt động của các trường ngoài công lập, trong đó mục 3 điều 14 có ghi: “Trường phổ thông tư thục cấp THCS, THPT được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học, nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung”. Từ đây, ông Hòa đặt vấn đề: “Nếu các trường THCS và THPT tư thục tổ chức hoạt động giáo dục trước 1 tháng có được coi là thời gian hoạt động bổ sung ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học hay không?”.
Ông Hòa cũng cho rằng việc tổ chức hoạt động trước 1 tháng so với trường công hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, HS và không thu thêm bất cứ khoản kinh phí nào so với các tháng trong năm học.
“Những HS không có nhu cầu học trong tháng này, chúng tôi hoàn toàn không bắt buộc và HS nghỉ học tháng này cũng không ảnh hưởng tới chương trình chính khóa, vì chúng tôi tuyệt đối không tổ chức dạy học trước chương trình. Nếu HS trường ngoài công lập không được học giãn thêm 4 tuần thì cả HS và nhà trường đều “lao xuống dốc” so với trường công”, ông Hòa nói.
Không áp đặt với trường tư
Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Bộ đang tính toán đến yếu tố đặc thù của trường tư và trường công tự chủ trong xây dựng khung kế hoạch thời gian năm học, tinh thần là sẽ không áp đặt các trường này phải theo lịch tựu trường của trường công lập nhưng tự chủ thế nào, có thể tựu trường trước bao lâu thì phải căn cứ vào các quy định cụ thể để đảm bảo HS vẫn có nghỉ hè và không dạy học trước chương trình chính khóa.
|
Bình luận (0)