Như Thanh Niên phản ánh, tối 28.8, nữ tài xế Lưu Thị Hồng Liên (35 tuổi, quê Quảng Bình) phóng xe ô tô BMW BS 51G-883.03 bỏ chạy sau tai nạn. Khi bị người dân chặn xe máy trước đầu xe, bà Liên đạp ga, cuốn cả xe máy vào gầm, kéo lê nhiều cây số, chỉ chịu dừng lại khi bị nhiều người chặn xe.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của nữ tài xế này là 1,017 mg/lít khí thở. Bà Liên khai nhận mình... “đã nhậu từ 2 giờ chiều”.
Nếu chỉ xử lý hành chính thì không có tác dụng răn đe
Hóa ra sau nhiều trường hợp xử lý nghiêm khắc lỗi “nồng độ cồn”, từ khi Nghị định 100 ban hành, còn lắm “ma men lái xe” chưa tởn. Vì vậy, bạn đọc (BĐ) Phuc Rose cho rằng: “Nếu chỉ xử lý hành chính trường hợp bà Liên này thì quá nhẹ cho tội xem thường pháp luật! Phải khởi tố hình sự tội danh cố ý giết người - cố tình đụng xe máy rồi kéo lê trên đường”.
BĐ Đặng Xuân Diễn băn khoăn về “hình thức xử phạt như thế nào mới đủ sức răn đe” vì chỉ “phạt kiểu mấy chục triệu” thì nỗi lo “xòe tiền xong lại chứng nào tật nấy” là nỗi lo không phải không có cơ sở.
BĐ Lê Tú cũng đề nghị “phạt tiền, giam bằng lái xong thì phải cho lao động công ích, hoặc ngồi tù” mới thấm thía, chứ không lại như BĐ Quang Dương bình luận: “Nồng độ cồn 1,017 mg/lít khí thở. Kinh thật. Đã đi xe này thì vài chục triệu tiền phạt ăn thua gì. Phải chế tài mạnh hơn, ví dụ như thu hồi bằng lái vĩnh viễn, mới mong răn đe”.
Có bất an chuyện người dân truy đuổi ?
BĐ Nguyễn Phương có một góc nhìn khác: “Cô này sai thì hẳn đã sai. Tuy nhiên nhiều người cũng nhiệt tình thái quá làm tồi tệ thêm”.
BĐ Bảo Trần Quốc nêu ý kiến: “Cô này vi phạm quá nặng, nhưng đám đông đuổi theo lại quá dại dột. Theo tôi, chỉ nên ghi hình để giao công an làm bằng chứng... Nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết có khi lại gây tai nạn nguy hiểm chẳng kém gì cô kia”. Tán thành, BĐ Dat Pham đặt câu hỏi: “Không phải CSGT thì có được phép chặn xe người khác? Ai cũng đòi tự thực thi công lý thì có đúng không?”.
Ngay lập tức, BĐ Van Minh Ngo hỏi: “Nếu nạn nhân là người nhà, chúng ta có chặn kẻ gây tai nạn rồi bỏ chạy đó không?”. BĐ Xuân Phương Nguyễn lưu ý: “Mọi công dân có quyền ngăn chặn hành vi phạm pháp nhằm phòng ngừa một cách tốt nhất hậu quả có thể xảy ra” nên đây là “trường hợp bắt quả tang và khẩn cấp”, như BĐ Minh Nguyen nhận xét.
Nhiều BĐ tin rằng trong tình huống này hệ thống camera giám sát giao thông phải kịp phát hiện để lực lượng chức năng can thiệp, tránh việc người dân truy đuổi xong thì “cơ quan chức năng mới có mặt tại hiện trường”.
Bình luận (0)