Truy trách nhiệm nền tảng xã hội để chặn tin giả

13/11/2024 06:24 GMT+7

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, nhiều đại biểu đề cập tình trạng bùng nổ tin giả, quảng cáo sai sự thật. Việc này đã và đang tác động tiêu cực đến người dân, gây bức xúc dư luận, cần có giải pháp để xử lý và ngăn chặn.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tin giả, tin sai sự thật không chỉ là vấn đề của VN mà mang tính toàn cầu. Giải pháp đầu tiên phải là hoàn thiện thể chế. Trước đây, các quy định chỉ tập trung xử lý những cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả; còn tới đây, một nghị định mới đã được ban hành, sẽ xử lý đối với cả nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp.

Vẫn theo ông Hùng, bấy lâu nay chúng ta nghĩ nhiều đến trách nhiệm quản lý của Nhà nước nhưng thực ra trách nhiệm lớn phải là của các nền tảng xã hội. "Họ có không gian riêng, họ có thuê bao riêng mà không chỉ là số ít, hàng chục triệu, hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ người dùng. Họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và thông tin xấu, độc", Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng cho rằng, các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại VN, khi làm ăn kinh doanh tại VN là phải tuân thủ luật pháp VN. "Nếu không tuân thủ là chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động", ông Hùng nói và khẳng định "phải nhà nào nhà nấy quản phần của mình thì không gian mạng mới lành mạnh được".

Truy trách nhiệm nền tảng xã hội để chặn tin giả- Ảnh 1.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

ẢNH: GIA HÂN

Tham gia trả lời thêm về nội dung trên, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, nói hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, trở thành mối đe dọa lớn tới an ninh, trật tự, kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu. "Có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỉ đồng", ông Quang dẫn chứng.

Để ngăn chặn, đại tướng Lương Tam Quang cho rằng phải nắm tình hình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật gây mất an ninh trật tự trên không gian mạng và mạng xã hội. Theo quy định hiện nay, hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, thế nhưng mức xử phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe, chỉ từ 5 - 10 triệu đồng.

Quy định pháp luật cũng thiếu khung định lượng cụ thể để xác định hành vi vi phạm là hành chính hay hình sự. Ví dụ như hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đến mức độ nào là nghiêm trọng, trong khi chỉ cần bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. "Chúng tôi kiến nghị có thể không cần xem xét hậu quả xảy ra đối với những hành vi này, để đủ sức răn đe", Bộ trưởng Bộ Công an cho hay.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Sẽ trình cơ chế đặc thù cho báo chí

Sẽ trình cơ chế đặc thù cho báo chí

Nhiều đại biểu đề cập tới việc các cơ quan báo chí ngày càng khó khăn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với mạng xã hội, cả về thông tin và quảng cáo. Giải pháp để hỗ trợ, đẩy mạnh vai trò của báo chí cách mạng là gì?

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là của mình, có ngân sách hằng năm để chi cho báo chí. Luật Báo chí sửa đổi sắp tới sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép một số cơ quan báo chí được kinh doanh về nội dung, xoay quanh lĩnh vực truyền thông. "Nếu báo chí cứ chạy theo mạng xã hội sẽ đứng phía sau. Điểm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, sử dụng nền tảng công nghệ để lấy lại bạn đọc", ông Hùng nêu.

Ông Hùng cho biết thêm quy hoạch báo chí có nội dung quan trọng là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để thành sức mạnh truyền thông, tạo cơ chế đặc biệt. Sắp tới khi sửa luật Báo chí sẽ trình Quốc hội giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.