Truyện ca trong nhạc Việt: Nhạc sĩ của tình yêu với dấu ấn Trầu cau

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
05/06/2021 05:52 GMT+7

Cách đây hơn 80 năm, có một thiếu niên 16 tuổi chập chững bước vào khu vườn tân nhạc Việt Nam bằng ca khúc đầu tay Trầu cau. Sau này, cậu trở thành nhạc sĩ nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu .

Sự tích Trầu cau

Hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng sự tích này: Thời vua Hùng thứ tư, nhà quan lang họ Cao có 2 người con trai sinh đôi giống nhau như đúc, người anh tên Tân, người em tên Lang. Đến năm 17 - 18 tuổi thì cha mẹ họ qua đời. Hai anh em xin trọ học tại nhà một vị danh sư. Ông thầy có cô con gái đẹp người đẹp nết. Cô gái đem lòng yêu thương và muốn lấy người anh làm chồng, nhưng không phân biệt được ai là anh. Cô bày mâm cơm nhưng chỉ có một đôi đũa mời 2 chàng trai dùng. Nàng lén quan sát, thấy người em kính cẩn nhường đũa cho người anh ăn trước, cô bèn xin cha chủ sự hôn lễ cho mình với người anh.
Từ ngày Tân lấy vợ, anh ngày đêm quyến luyến vợ mình, hầu như quên mất người em một thời gắn bó. Lang rất buồn nhưng vẫn giữ hòa khí. Một hôm, 2 anh em có việc đi ra ngoài và cùng trở về. Lang vào nhà trước, người vợ tưởng nhầm là chồng mình, đến ôm chầm lấy. Tân vào sau, chứng kiến và nổi cơn ghen. Đau buồn vì bị hiểu nhầm, Lang bỏ nhà đi mãi, cho đến khi gặp một dòng sông chắn ngang trước mặt. Chàng mệt mỏi ngồi bên bờ sông than khóc rồi kiệt sức mà chết, biến thành một tảng đá.
Sau khi nghe vợ giãi bày, Tân hối hận và quyết định lên đường đi tìm em. Chàng đi mãi, cho đến khi gặp một dòng sông chắn ngang trước mặt. Chàng mệt mỏi ngồi tựa vào phiến đá than khóc, rồi kiệt sức mà chết, hóa thành một cây không cành, mọc thẳng đứng, xanh mướt. Một thời gian sau, cây trổ hoa, kết trái thành từng buồng. Sau một thời gian chờ đợi, không thấy chồng mình trở về, người vợ bèn lên đường đi tìm. Nàng cũng lại gặp dòng sông chắn ngang trước mặt. Mệt mỏi, nàng ôm lấy thân cây mà than khóc. Rồi nàng cũng chết đi, hóa thành một loại dây leo quấn quanh thân cây...
Khi vua Hùng có dịp đi ngang qua đó, nghe người dân kể lại câu chuyện của 2 anh em và người vợ, vua truyền hái trái, ăn kèm với lá dây leo thấy có mùi thơm nồng, nhổ lên tảng đá thấy có màu đỏ tươi... Tục lệ khi ăn quả cau có kèm theo lá trầu quệt thêm chút vôi được tôi từ phiến đá ra đời từ đó. “Miếng trầu mở đầu câu chuyện” trong mọi sinh hoạt hằng ngày và cũng trở thành lễ vật dân gian không thể thiếu của người Việt Nam trong các dịp hiếu hỷ.

Bìa ca khúc Trầu cau

Ảnh: Tư liệu

Nhạc phẩm đầu tay của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Ngày 16.5.2015, người viết có dịp đến thăm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại tư gia của ông ở cư xá Bắc Hải, Q.10, TP.HCM (trước khi nhạc sĩ mất hơn 1 tháng). Buổi nói chuyện thật rôm rả. Người viết chú ý thấy trên tường đối diện với bàn làm việc có treo một bức tranh vẽ một thiếu nữ trong trạng thái nude bán thân, đẹp một cách rất thanh tân. Chợt nghĩ nửa thế kỷ trước, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã không nhầm khi đặt tên cho tác giả Trầu cau là “nhạc sĩ của tình yêu”.
Nhắc đến Trầu cau (ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, sáng tác năm 1940), tôi “khoe” với ông: “Ngày xưa, khi còn sống, mẹ của cháu vẫn thường vừa làm việc nội trợ vừa hát lõm bõm, câu được câu mất: “Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu thương, ở cùng nhau bỗng đâu chia lìa. Vì hai người cùng yêu một cô gái làng bên, nhưng người anh được kết duyên cùng nàng. Vì như thế nên người em lòng buồn rầu bỏ đi khỏi làng… Ôi ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu…”.
Thấy tôi rơm rớm nước mắt, ông ôm chặt tôi, bảo: “Trầu cau là lấy cảm hứng khi đoàn kịch của nhà thơ Thế Lữ vào Đà Nẵng diễn vở Tục lụy (thơ Châu Vinh và Thế Lữ, nhạc của Lưu Hữu Phước), xem kịch xong tôi cũng ao ước viết một vở ca kịch mang sắc thái cổ tích như thế, nên dù mới 16 tuổi, học nhạc lõm bõm với thầy Võ Văn Phước, tôi vẫn liều viết Trầu cau bằng cây đàn mandoline… Lúc đầu, tôi định làm bài hát đó cho đoàn Sói Con của mình hát trong các đêm lửa trại trong phong trào Hướng đạo. Không ngờ khi lọt ra ngoài, nó đã đem lại thành công lớn… Bẵng đi mấy chục năm, đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến, ngỡ rằng bài hát ấy đã chìm vào quên lãng… Sau 1975, có dịp qua Pháp dự một buổi trình diễn nhạc của mình, nghĩ rằng bài Trầu cau đã quá cũ, tôi không xếp vào chương trình. Vậy mà khán giả, nhất là các khán giả lớn tuổi, đã yêu cầu trình diễn bài đó. Họ bảo, thiếu Trầu cau thì không phải Phan Huỳnh Điểu!”.
Nhạc sĩ Phạm Duy trong cuốn Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu nhận xét: “Dù chưa phải là một tác phẩm tới hàng siêu phẩm (như Thiên thai, Trương Chi của Văn Cao hay Hòn vọng phu của Lê Thương), bài Trầu cau cũng đã được dân chúng đón nhận từ lúc nó ra đời cho tới nhiều năm về sau như một trong những bài trường ca đầu tiên của tân nhạc vậy”.
Nhân đây cũng không thể không nhắc đến cặp uyên ương Mạnh Phát - Minh Diệu và sau đó là ca sĩ Hoàng Oanh đã một thời trình bày rất thành công ca khúc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.