Truyện Kiều 'ra thế giới'

Ngọc An
Ngọc An
10/04/2020 06:51 GMT+7

Cuốn Kiều in Dương Tường’s version, bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) của dịch giả Dương Tường, vừa 'ra lò'. Dương Tường hạnh phúc đón 'đứa con' được 'thai nghén' trong suốt 2 năm, lúc mắt ông đã không còn nhìn được nữa.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên là người thứ hai được dịch giả Dương Tường gửi tặng “đứa con” vừa mới “chào đời” (người đầu tiên là nhà báo Nguyễn Công Khuyến cũng là người viết lời đề tựa cho cuốn sách). “Đây là bản dịch độc lập, cho thấy công lao tìm tòi riêng của dịch giả Dương Tường”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận.
Dẫn giải cho nhìn nhận của mình, ông Nguyên lấy câu mở đầu của truyện Kiều: Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau trong bản dịch của Huỳnh Sanh Thông - GS Trường đại học Yale, Mỹ (bản dịch được đánh giá cao nhất) và bản dịch của Dương Tường để so sánh. Câu của Huỳnh Sanh Thông dịch: A hundred years - in this life span on earth/talent and destiny are apt to feud, của Dương Tường dịch: In the one-hundred-year span of a human life/Destiny implacably sets upon Talent. “Nhìn vào thì thấy câu của ông Huỳnh Sanh Thông mang tính khái quát, quy luật đời hơn. Dịch chữ “cõi” hai ông đều dùng từ “span”, nghĩa đen là “gang tay”, từ đó rộng nghĩa là “khoảng thời gian ngắn ngủi”. “Cõi người ta” với Huỳnh Sanh Thông là “khoảng đời trên cõi trần” dùng “earth” không mạo từ. Còn Dương Tường thì cho đó là hạn hẹp đời người đúng một trăm năm “one-hundred-year span”, ông Nguyên phân tích. Ông cũng nói thêm: “Cùng một tác phẩm nhưng sẽ có những bản dịch khác nhau, ngay cả dịch xuôi (tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt) cũng vậy thôi. Điều đó thể hiện trong cách dùng từ ngữ, giọng điệu, cách hiểu văn bản của mỗi dịch giả với tác phẩm gốc. Nhưng thử thách nhất là phải dịch để người bản ngữ hiểu được, cảm được”.
Truyện Kiều 'ra thế giới'1

Bìa cuốn sách Kiều in Dương Tường’s version

Ảnh: Nhã Nam

Quan điểm chuyển ngữ Truyện Kiều của Dương Tường là không “bám chữ”. “Dịch Truyện Kiều không thể bám chữ được. Cách làm như thế nhiều khi còn phản lại tác giả, tác phẩm gốc. Tôi cũng giữ quan điểm này khi dịch gần 60 tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt. Bám vào chữ không phải là “sự trung thành” mà trở thành “thứ nô lệ”, có thể phản lại ý chung, chủ đề chung”, dịch giả Dương Tường lý giải. Với ông, chuyển ngữ Truyện Kiều là cách ông “học thêm về tiếng Việt và để giữ gìn tiếng Việt”. Bởi, theo ông: “Ngôn ngữ của Truyện Kiều là ngôn ngữ tinh túy nhất của tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ rất đẹp của ta”.

Phổ biến kiệt tác văn học của Việt Nam

Dương Tường là 1 trong số khoảng 10 học giả người Việt đã chuyển ngữ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh. Bản dịch đầu tiên được ghi nhận là bản dịch của Lê Xuân Thủy, dịch lần đầu tiên vào năm 1963, được tác giả hiệu đính lại vào năm 2010 với tên The soul of poetry inside Kim Van Kieu. Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông do nhà xuất bản Random House in lần đầu tiên vào năm 1973, được trao giải MacArthur Fellowship danh tiếng vào năm 1987. Bản dịch này được hiệu đính vào năm 1983 với tựa The tale of Kiều.
Bên cạnh đó, có thể nhắc đến một số bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của dịch giả nước ngoài được đánh giá cao như bản dịch của Michael Counsell, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1994 có tên Kieu, the tale of a beautiful and talented girl; bản dịch của Vladislav V.Zhukov, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 với tên gọi The Kim Van Kieu of Nguyen Du... Theo thống kê chưa đầy đủ, nếu tính cả cuốn Kiều in Dương Tường’s version, đến giờ đã có khoảng 18 bản dịch Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Anh (chưa kể những bản dịch tiếng Pháp hay những ngôn ngữ khác) của các học giả người Việt lẫn nước ngoài.
Với Dương Tường, việc chuyển ngữ Truyện Kiều là “thử thách lớn nhất và tối hậu” của ông. “Đây là đỉnh núi lớn nhất trên chặng đường của tôi cho đến nay khi đã xấp xỉ 90 tuổi rồi. Lúc còn đang sung sức cả về thể lực lẫn trí lực, tôi từng mơ làm được điều đó, nhưng không dám làm. Khi mắt không đọc được nữa với nhiều thứ tật bệnh của tuổi già, tôi quyết định bước vào cuộc phiêu lưu cuối cùng, cuộc thử thách tối hậu”, ông chia sẻ. Có lẽ không chỉ có Dương Tường, nhiều dịch giả coi Truyện Kiều là “ngọn núi” mà họ muốn đặt ra làm thử thách cho mình, như dịch giả Michael Counsell đã “lặn lội” tới 25 năm để dịch Kiều. Bên cạnh đó, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thêm một lý do mà nhiều dịch giả muốn chuyển ngữ Truyện Kiều: “Đây là kiệt tác văn học của Việt Nam”. “Cũng như chúng ta hay dịch kiệt tác của các nước khác thì các dịch giả cũng muốn phổ biến, giới thiệu tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam tới công chúng nước ngoài”, ông Nguyên nói. Và với lý do nào thì việc chuyển ngữ Truyện Kiều cũng đã góp phần đưa kiệt tác văn học Việt Nam “ra thế giới”.
Ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc Công ty Nhã Nam, đơn vị ấn hành Kiều in Dương Tường’s version, cho biết sau khi hoàn tất thủ tục xuất bản, cuốn sách sẽ chính thức ra mắt độc giả trong nước vào tháng 4 này. “Chúng tôi cũng sẽ xem xét đến việc đưa cuốn sách giới thiệu tại một số hội chợ sách thế giới, chẳng hạn như Hội chợ sách Frankfurt, Đức (hội chợ sách lớn nhất thế giới - PV), thường diễn ra khoảng tháng 10 nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Giang cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.