Những tranh cãi quanh Truyện Kiều

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
30/03/2020 06:50 GMT+7

Ra đời cách đây hơn 200 năm, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vẫn tiếp tục được khám phá, tiếp cận từ nhiều góc nhìn thông qua những cuộc tranh luận giữa các nhà học thuật về chú giải mỗi khi tái bản.

Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 do học giả An Chi phiên âm, chú giải và thảo luận vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Theo học giả, mục đích tác phẩm là để thảo luận quyển Tư liệu Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 của Nguyễn Tài Cẩn và Truyện Kiều - bản Nôm Duy Minh Thị của Nguyễn Quảng Tuân, nhằm “đưa đến bạn đọc một bản Duy Minh Thị đúng với chân diện mục và giá trị đương nhiên của nó”, bởi có nhiều chữ ông cho là hai vị (Quảng Tuân và Tài Cẩn - NV) phiên âm không đúng. Tuy nhiên, khi cuốn sách này vừa phát hành lại bị giới học thuật phản biện gay gắt.

Lái sang phương ngữ Nam bộ là áp đặt

Nhà nghiên cứu, dịch giả Vương Trung Hiếu thẳng thắn: “Phê phán hai nhà Kiều học - Quảng Tuân và Tài Cẩn không đúng trong việc phiên âm nhưng người phạm sai lầm lại chính là An Chi. Trước tiên, ông An Chi chỉ dựa vào một số tài liệu cho rằng Duy Minh Thị, nguyên quán huyện Duy Minh (thuộc Bến Tre ngày nay), từng có thời gian sống ở vùng Gia Định - có thể là cháu nội của Trịnh Hoài Đức và bản Kiều 1872 do ông trùng san được in ở Trung Quốc, chủ yếu phổ biến ở miền Nam, để rồi “lái” Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 theo phương ngữ Nam bộ là sự suy diễn chưa chính xác”.

Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 của An Chi

Mang 5 bản truyện Kiều của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm ra đối chiếu, ông Vương Trung Hiếu phát hiện: “Ở câu 7 Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872, ông An Chi phiên ‘kiểu thơm’ - do hai chữ ‘phương cảo’ [芳稿] = bản thảo thơm (sách hay); trong khi ông Cẩn, ông Tuân và các nhà khác lại phiên ‘cảo thơm’. Theo An Chi, phiên ‘kiểu thơm’ là do kiêng húy vua Minh Mạng (tên là ‘Cảo’), song các tài liệu mà tôi tham khảo đều phiên là ‘cảo thơm’, chữ Nôm là 稿𦹳 (bản Kiều 1866, 1871, 1872, 1902) và 藁𦹳 (bản 1870). Theo giới nghiên cứu, Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 chỉ kiêng húy đời vua Gia Long chứ không phải vua Minh Mạng, và dù kiêng húy luôn cả đời Minh Mạng thì cần chú ý: tên húy của vua Minh Mạng không phải là ‘Cảo’ mà là Nguyễn Phúc Đảm, Nguyễn Phúc Kiểu”.
Dịch giả Vương Trung Hiếu tiếp: “Với ‘áng bất bằng’ ở câu 1635. Ông An Chi cho rằng viết ‘án’ [按] nhưng đọc ‘áng’, rồi quy kết đây là chữ Nôm miền Nam như trong ‘áng can qua’, ‘áng công danh’ là sự suy diễn võ đoán, vì ‘án’ được viết là 按 (bộ thủ 手) hoàn toàn khác chữ ‘áng’ 盎 (bộ mãnh 皿) như trong ‘áng can qua’/盎干戈. Ông An Chi khẳng định: không thể đổi ‘bạt lụy’ [拔淚] thành ‘gạt lệ’ được, vì ‘bạt lụy’ là chùi lau nước mắt (Huình-Tịnh Paulus Của) - hai chữ/tiếng có thật trong phương ngữ Nam bộ. Song, chúng ta biết rằng ‘bạt lụy’ [拔淚] là từ Hán Việt, có gốc từ Hán ngữ, được chuyển thành chữ Nôm theo phép giả tá, có nghĩa chính xác là ‘gạt lệ’”.
“Ở câu 56, các bản Truyện Kiều đều ghi là ‘ghềnh’ nên việc ông An Chi đọc là ‘gành’ khó có thể chấp nhận, tuy bản Duy Minh Thị 1872 phổ biến ở miền Nam, song là ‘hậu bối’ của bản cổ nhất Liễu Văn Ðường (1866), mà cả hai bản này đều ghi là 京, vì thế phải đọc là ‘ghềnh’ theo bản ra đời trước”, ông Vương Trung Hiếu lập luận.

Phong tục Kim ngư truyện sơ biên do Kyokutei Bakin phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện in trong cuốn sách gây tranh luận của học giả An Chi

Ảnh: Q.TRÂN chụp lại từ sách

Càng cãi lại càng hay

Đồng tình với những quan điểm trên, nhà nghiên cứu Cao Quảng Văn phân tích thêm: “Đại thi hào Nguyễn Du nguyên quán ở Hà Tĩnh, song ông sinh trưởng trên đất Thăng Long và có mẹ quê Bắc Ninh, nên sáng tác hẳn nhiên mang nhiều ngôn từ và tính cách vùng đất phương Bắc hơn. Tôi tán đồng ý kiến anh Hiếu là không nên khiên cưỡng áp đặt, mà nên nghiên cứu Truyện Kiều trên nền ngôn ngữ văn hóa miền Bắc, cũng như tìm hiểu Lục Vân Tiên trên nền ngôn ngữ văn hóa phương Nam”.

“Phiên âm từ ngữ Truyện Kiều theo phương ngữ Nam bộ là làm sai ‘tinh thần’ của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng ông An Chi vẫn chỉnh sửa hàng trăm câu theo hướng này, dẫn tới sự khó hiểu, khiến người đọc ngộ nhận nhiều từ ngữ. Ví dụ: chênh chênh = chinh chinh, lênh đênh = linh đinh, giải nhất = dải nhứt, hưởng thụ = hưởng thọ, trúc (tre trúc) = trước, từ đó dẫn đến trúc côn (gậy tre) bị đổi thành trước côn, trúc chẻ ngói tan = trước chẻ ngói tan, trúc mai = trước mai...”.    

Nhà nghiên cứu, dịch giả Vương Trung Hiếu

Còn nhà nghiên cứu Lê Nguyễn dè dặt: “Sách về Truyện Kiều của học giả An Chi mới phát hành, vẫn còn sớm để phân định một cách tường tận đúng - sai giữa nhiều luồng quan điểm khác nhau. Hy vọng đây là cơ hội trao đổi, tranh luận mang tính học thuật cao, giúp công chúng có được những dữ liệu chính xác để hiểu và yêu hơn Truyện Kiều”.
Không chỉ đến bây giờ mà từ năm 1924, xung quanh Truyện Kiều cũng từng nổ ra nhiều trận “bút chiến” giữa Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với nhóm Phạm Quỳnh, Phan Khôi. Sau này có An Chi với Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân. “Việc tranh cãi này không phải tranh nhau hơn thua, mà qua đó thêm góc nhìn đa chiều, giúp người đọc hiểu rõ hơn về các nhân vật, kết cấu cũng như nội dung tác phẩm, những thủ pháp nghệ thuật và ngôn từ của truyện, kể cả cuộc đời và tư tưởng của Nguyễn Du... Do phải tìm hiểu qua dị bản nên việc thiếu tiếp cận chính xác với bản gốc của Nguyễn Du khiến mọi thứ trở nên mờ ảo, dẫn tới những tranh luận về Truyện Kiều, mà càng cãi lại càng hay”, một nhà nghiên cứu nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.