Truyện Kiều, tác phẩm lớn của đại thi hào Nguyễn Du, là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ sáng tạo thành kịch nói, cải lương với nhiều bản dựng hấp dẫn. Và Quang Thảo một lần nữa đã cho ra một phiên bản đầy bất ngờ.
Trong Dưới bóng giai nhân, Quang Thảo không kể chuyện tuần tự từ đầu đến cuối, mà cắt bớt đủ để bảo đảm cốt truyện, và thêm vào một vài phần khiến câu chuyện lung linh, sâu sắc hơn. Chủ đề của vở kịch là xót xa cho thân phận đàn bà, với đại diện là 4 nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Hoạn Thư, Tú Bà, vì vậy ngôi mộ của Đạm Tiên được tác giả ghép vào lời thoại của nhân vật đó là "mộ của đàn bà".
Có những điểm nhấn làm cho vở kịch sáng bừng lên. Điểm nhấn ấn tượng nhất là nhân vật Hoạn Thư. Quang Thảo đã lột tả tâm lý Hoạn Thư rất hợp lý, khiến người ta thấy nàng cũng có thân phận, nỗi niềm. Là con của Lại bộ Thượng thư, vì yêu mà lấy Thúc Sinh, một người vô sinh nhưng nàng giấu bí mật này, cam chịu mang tiếng "gái độc không con". Đến khi Thúc Sinh có Kiều, nàng mới vỡ lẽ gia đình lễ giáo dạy mình công dung ngôn hạnh nhưng lại có những khiếm khuyết trong quan hệ vợ chồng. Nghệ sĩ Thanh Thủy diễn vai xuất sắc, nhất là trong lớp nổi loạn đòi Thúy Kiều dạy cho mình cách ân ái để giữ chồng, nhân vật trở nên đáng thương vô cùng.
Điểm nhấn thứ hai là lúc Từ Hải (nghệ sĩ Đại Nghĩa) chết đứng, Thúy Kiều (nghệ sĩ Hồng Ánh) tiễn đưa, vừa tang thương vừa tuyệt đẹp với những dải lụa trắng làm nền, đốn tim khán giả. Sân khấu đã hình ảnh hóa cái chết của Từ Hải, lợi thế hơn so với thơ. Đau nhất là khi Thúy Kiều say sưa múa trong tiếng đàn của Hồ Tôn Hiến, thì sau lưng nàng Từ Hải phải hứng chịu những mũi gươm. Quang Thảo đã chứng tỏ là một tác giả và đạo diễn giỏi, dám đánh tráo tiếng đàn từ tay Thúy Kiều (trong bản gốc) sang tay Hồ Tôn Hiến, nhưng vẫn hợp lý, lại làm tăng hiệu ứng bi kịch.
Nghệ sĩ Hồng Ánh trong vai Thúy Kiều vừa đẹp mong manh, lại vừa có phần mạnh mẽ, vùng vẫy tới cùng. Lớp diễn nàng dám đối kháng với con quan tri huyện, dùng tay đánh trống trong vũ điệu đau thương, là lớp diễn rất đẹp. Hồng Ánh xuất sắc khi xuất hiện gần như từ đầu đến cuối mà vẫn giữ được sức và lửa nghề.
Những nghệ sĩ Diệu Đức, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Công Danh, Minh Dũng, Bạch Long, Tuyền Mập… đều diễn rất hay. Vở kịch bi hài có đủ mà vẫn bảo đảm thẩm mỹ, không làm khó chịu khi so với bản thơ gốc. Thiết kế sân khấu hoành tráng nhưng thanh nhã, trang phục đẹp, tuy cổ trang mà thấp thoáng hiện đại, sang trọng. Đặc biệt, khán giả có thể nghe lại hàng trăm câu thơ của Truyện Kiều được cài vào âm nhạc và lời thoại, thêm khâm phục tài của nhạc sĩ Văn Tứ Quý.
Bình luận (0)