'Truyện Kiều tự kể': Khi Mã Giám Sinh, Tú Bà và Hoạn Thư... tự kể chuyện mình

26/12/2020 11:30 GMT+7

Truyện Kiều tự kể của tác giả Cao Nguyệt Nguyên mang đến cho bạn đọc xúc cảm đặc biệt và độc đáo khi để các nhân vật: Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà... nói lên tiếng nói của chính mình với những nỗi đau và suy tư nội tại.

Vượt qua biên độ của không gian và thời gian, cho đến hôm nay Truyện Kiều đã ăn sâu vào nếp sống, văn hóa của người Việt. Xung quanh Truyện Kiều có một loạt loại hình, những nét văn hóa thật phong phú như: bình Kiều, vịnh Kiều, bói kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều,…
Sau Nguyễn Du, cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học được ra đời trên nền danh tác yêu quý. Chúng ta quen và mặc định với những giá trị, thông điệp mà Truyện Kiều mang đến, là cảm thương cho số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, bản cáo trạng tới các thế lực trong chế độ phong kiến,... Thế nhưng, việc để các nhân vật Truyện Kiều được nói lên tiếng nói với những nỗi đau và suy tư nội tại thì chưa từng có trong tiền lệ sáng tác. Giữa muôn vàn lối đi và thể nghiệm, nhà văn Cao Nguyệt Nguyên đã chọn cho mình lối đi này. Vượt ra khỏi những khuôn thước mẫu mực để mở ra một cánh cửa mới, Truyện Kiều tự kể của tác giả Cao Nguyệt Nguyên ra đời như vậy.

“Chiếc áo mới” cho Truyện Kiều

Khởi sự từ 3.254 câu thơ của Truyện Kiều, tác giả Cao Nguyệt Nguyên đã tái tạo nên Truyện Kiều tự kể ở thể dạng văn xuôi. Tuy nhiên, không lối mòn, nhừa nhựa như dạng chuyển thể từ thơ sang văn xuôi đơn thuần. Nếu độc giả từng tiếp cận với Truyện Kiều theo ngôi thứ ba - ngôi kể linh hoạt, đánh giá khách quan, thì trong Truyện Kiều tự kể, tác giả đã ngược dòng thời gian, bước vào thế giới nhân vật để hóa thân và cất lên tiếng nói, có bản ngã và cá tính đặc trưng.

Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều tự kể được nhìn từ con mắt của người đọc hôm nay

Ảnh: A.N

Thúy Vân, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh… đã bước ra khỏi trang sách, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn, thể chất; cho một hạng người hay những nét tính cách trong xã hội. Ngày nay, những câu Kiều vẫn còn được người đời “ứng vận” vào một số con người, cảnh huống xã hội. Và đến Truyện Kiều tự kể, những nhân vật trong truyện Kiều đã được tái hiện, sống một đời sống mới do chính họ tự kể lại với bạn đọc hôm nay. Để rồi, khi được nghe những lời trần tình từng trải, chúng ta có gì đó chững lại, có cảm thông và hay thậm chí sự bất ngờ khi nhân vật được khắc họa khác với những chân dung bất hủ trước đây.
12 nhân vật bao gồm: Thúy Vân, Đạm Tiên, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Giác Duyên và Thúy Kiều đã lần lượt trải lòng. Truyện Kiều tự kể được trình bày theo bố cục gồm minh họa, chân dung nhân vật tự thuật, nhân vật trong truyện Kiều và nhân vật trong đời sống ngày nay - qua các góc nhìn mới của thế hệ sau.
Thúy Vân là nhân vật mở đầu. Hé mở về những tâm tư của mình, nàng bộc bạch về nỗi buồn nối duyên thay chị: “Sống bên người mà mình không yêu, đêm đêm đầu gối tay ấp, đời sống hai vợ chồng bên ngoài nhìn có vẻ yên ả, nhưng mỗi người có mối quan tâm riêng” hay “Đêm, tôi nghe tiếng chồng tôi uống trà với chị ngoài sân nhà. Chàng ấy nắm lấy tay chị, thể hiện bao ân tình. Thế là rõ. Chồng tôi muốn nối lại duyên xưa với chị Kiều, định hoa đẹp đánh cả cụm đây mà. Cha chả đàn ông ở trên đời, có kẻ nào mà không háo sắc”. Đối chiếu Vân trong truyện Kiều trong đời sống ngày nay để thấy Cao Nguyệt Nguyên đã đứng về phía nhân vật để yêu thương và chia sẻ cùng nàng.
Khát khao có được hạnh phúc là hoàn toàn chính đáng. Người ta có quyền lựa chọn hướng đi cho mình, làm công việc mình thích và cho rằng tốt nhưng tiếc rằng đã phạm đến luân lý, đạo đức của xã hội. Càng cảm thương Kiều thì người ta càng oán ghét Hoạn Thư - biểu tượng của sự ghen tuông, tàn nhẫn, nham hiểm và độc ác. Ấy thế, khi đọc đến những dòng tâm tư của Hoạn Thư, người đọc có khi phải thốt lên việc ghen tuông cũng là điều… khó tránh. “Hơn một năm qua hai người lửa đượm hương nồng, còn ta phải cô phòng tủi phận, đêm ta khóc thầm ngày ta phải lấy nụ cười che mắt thế gian. Liệu ai biết nỗi đau tày liếp?”...

Nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều tự kể

Ảnh: A.N

Đi qua mỗi chương đoạn, cùng ngồi xuống để lắng nghe mỗi nhân vật giãi bày, bạn đọc có động lòng, có cảm thông chính là thành công của tác giả trong việc khai thác chiều sâu nhân vật, diễn đạt tâm lý tinh tế. Cao Nguyệt Nguyên đã không hề áp đặt sự phân biệt thiện - ác, không phán xét mà cởi mở, công bằng và có cái nhìn trọn vẹn hơn với nhân vật của mình. Nghe Thúc Sinh, Tú Bà hay Hồ Tôn Hiến kể chuyện, có đoạn lên gân quyết liệt, có đoạn chùng xuống bi ai, kèm theo giọng văn mang hơi thở đương đại và cá tính. Rõ ràng, con người ở thời đại nào cũng có những hỷ nộ ái ố, yêu ghét rạch ròi và toan tính hơn thua.
Việc tái hiện lại truyện Kiều theo cách tự kể này đôi khi sẽ đi lệch kỳ vọng, nằm ngoài những hình dung của độc giả. Nhưng đứng trước một lời mời chào thách thức gai góc mà cũng thú vị, tác giả vẫn chọn can đảm, tiếp tục sáng tạo. “Với con mắt của một người viết trẻ, cái nhìn của tôi về nhân vật chắc chắn sẽ cá tính, sẽ không khỏi khiến cho những ai vốn đã quen với khuôn mẫu trước kia bất ngờ. Thế nhưng tôi hoàn toàn chấp nhận các thể nghiệm mạo hiểm ấy” - Cao Nguyệt Nguyên chia sẻ.

Mỹ thuật là nội dung thứ hai của cuốn sách

Bên cạnh việc dựng nên chân dung nhân vật bằng lời, Truyện Kiều tự kể còn là một cuốn artbook kỳ công, sáng tạo. Cùng góp mặt tham gia tái dựng Truyện Kiều bằng ngôn ngữ hội họa lần này có 12 họa sĩ - vốn là những cái tên không mấy xa lạ trong cộng đồng minh họa gồm: Hoàng Giang, Thùy Dung, Khang Lê, Vườn Illustration, Lê Đức Hùng, Tuấn Thanh, Nikru, Khoa Lê, Tôn Nữ Thị Bích Trâm, Nguyễn Hoàng Dương, Cù Quyên và KAA llustration.

Trong Truyện Kiều tự kể, mỗi nhân vật được vẽ lại với diện mạo riêng theo sự sáng tạo của từng họa sĩ

Ảnh: A.N

Với sự sáng tạo của mình, những họa sĩ trẻ đã khoác lên những diện mạo Kiều riêng biệt, mang phong cách, cá tính của chính thời đại mình. 12 họa sĩ là 12 gam màu riêng biệt không hòa lẫn. Mỗi tác phẩm minh họa cũng là một sự hóa thân của họa sĩ vào chính nhân vật. Sự kết hợp logic giữa lời viết và tranh minh họa khiến cho câu chuyện của cuốn sách trở nên đa sắc và hấp dẫn với độc giả.
Trung thành với nguyên tác nhưng cũng có nét đột phá riêng cả về nội dung lẫn minh họa chính là lời hồi đáp của thế hệ trẻ hôm nay với Truyện Kiều. Đây không chỉ là tuyên ngôn sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn góp phần khẳng định vai trò cốt lõi của Truyện Kiều trong đời sống hôm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.