'Truyện ngắn Ấn Độ' phơi bày những hiện thực nghiệt ngã

22/11/2020 09:00 GMT+7

Truyện ngắn Ấn Độ (Trần Ngọc Hồ Trường dịch, NXB Văn học 2020) phơi bày những hiện thực nghiệt ngã nhưng cũng mang đến cho bạn đọc triết lý sâu sắc, nhân văn: Chỉ có tình yêu thương bao dung lớn lao mới có thể cứu rỗi tâm hồn con người.

Thuở nhỏ, tôi thích xem phim Ấn Độ, và ám ảnh bởi những mối tình bi lụy, đầy nước mắt. Những đôi trai gái đẹp như trong mộng, yêu nhau đắm say, nhưng dường như mối tình của họ luôn kết thúc trong nước mắt bởi sự phân chia giai cấp nghiệt ngã trong xã hội. Và nay, khi đọc cuốn Truyện ngắn Ấn Độ, thì sự nghiệt ngã đó không chỉ định đoạt tình yêu đôi lứa.
20 truyện ngắn được tuyển chọn đều thuộc về những tác giả nổi tiếng Ấn Độ thế kỷ 20 như R. Tagore, T.S Pillai, Ruskin Bond, P.B. Bhave… Họ là những tác giả tiêu biểu đóng góp vào kho tàng truyện ngắn Ấn Độ hiện đại. Vì vậy, điều dễ thấy nhất khi đọc cuốn Truyện ngắn Ấn Độ, đó là bức tranh hiện thực trần trụi, sinh động, nhiều màu sắc của xã hội Ấn thời các tác giả sống, viết. Ngòi bút của các tác giả đều khía sâu vào những mặt trái của cuộc sống con người thuộc tầng lớp thấp, thậm chí là dưới đáy xã hội, để vạch rõ sự tàn bạo của hệ thống phân chia giai cấp, của những quy tắc, luật lệ, hủ tục trói buộc con người.
Các nhân vật trong truyện ngắn của R. Tagore, hay P.B. Bhave đều là nạn nhân của xã hội, cho dù anh ta thuộc tầng lớp trung lưu hay tầng lớp người nghèo, cho dù đó là một đứa trẻ đi học hay là một cụ già bán hàng rong. Thậm chí kể cả một người Anh, kẻ cai trị, thuộc tầng lớp thực dân sống trên lưng người dân Ấn Độ, cũng không thoát cảnh làm nạn nhân trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Sự ngột ngạt của cuộc sống, sự bế tắc của con người, sự đau khổ triền miên ngự trị, khiến cho những truyện ngắn này mang sức nặng ám ảnh. Và câu hỏi “Liệu có lối thoát nào chăng?” luôn vang lên trong tâm tưởng người đọc.
Tất cả những kẻ đau khổ, nạn nhân của xã hội cứ bám chặt lấy nhau, cắn xé nhau, phụ thuộc vào nhau. Họ nỗ lực làm việc, cũng có hy vọng về một cuộc sống an yên, nhưng điều họ nhận được chỉ là những bất ý, đày đọa, và đến lượt họ, giải tỏa bức xúc đó bằng cách hành hạ người thân. Nguồn năng lượng đen tối đó cứ từ người này tràn sang người khác, dìm cả cộng đồng trong một màn đêm cực nhục, một địa ngục trần gian. Một chân lý chung mà các tác giả trong cuốn Truyện ngắn Ấn Độ thẳng thắn đưa ra, đó là cơn thác lũ của đau khổ sẽ mãi cuốn trôi con người, nếu như nguồn gốc của nó - sự phân chia giai cấp, người bóc lột người, bất bình đẳng giới tính - không được xóa bỏ. Và trớ trêu thay, chính những người tạo nên sự bất bình đẳng đó, hòng giành được những lợi thế cho mình cũng không thoát khỏi đau khổ. Là bởi, nguồn năng lượng xấu, một khi đã sinh ra, sẽ lan tỏa, bao trùm toàn bộ không gian đó và không ai có thể thoát ra khỏi hệ lụy của nó. Kẻ đi tước đoạt quyền sống của người khác cũng không được sống thực sự cho ra một con người!
Vì lẽ đó, mà những triết lý nhân sinh trong xã hội ấy của con người cũng thực sự mang màu sắc của địa ngục: “Ông ta biết rằng chìa khóa của tồn tại là không nên tin ai cả!” - (lời nhân vật trong truyện ngắn Những đứa trẻ bị bỏ quên - tác giả Chitra Banerjee Divakaruni). Bóng ma địa ngục ấy như thứ virus tinh thần gặm nhấm, nuốt chửng tâm hồn con người trong từng ngôi nhà rách nát, đến nỗi, con người không còn gì bám víu ngoài nỗi đau đớn của chính mình. Có cảm giác rằng, Đức Phật hoặc Thần thánh của người Ấn Độ đã rời bỏ đi, bởi nếu như có Người ở đó, thì Người đã không để nỗi đau khổ tràn ngập như vậy.
Cái xấu nhan nhản trong xã hội, đến nỗi, một nhân vật trong truyện ngắn Kẻ nhẫn tâm của P.B. Bhave, ghim vào não độc giả câu “triết lý” ám ảnh của hắn: “Nếu tôi không phạm tội, thì kẻ khác cũng sẽ phạm”. Trong quan hệ với phụ nữ, hắn tuyên bố: “Quyến rũ một cô gái trong trắng, chưa biết đến đàn ông là sai. Nhưng nếu tôi không quan hệ tình dục với cô ấy, người khác sẽ làm”.
Có lẽ, truyện ngắn mang tính nghệ thuật cao, và còn đem lại chút ánh sáng trong hố sâu tăm tối của cuộc sống con người là truyện Người đàn ông mù hài lòng của tác giả T.S Pillai. Chỉ bằng lối viết có phần giản đơn, nhưng toàn bộ cốt truyện, và những câu trả lời xem ra rất giản dị của người đàn ông mù lòa, trong những tình huống trớ trêu nhất, đã đem lại thứ nguồn sáng đẹp đẽ cho cả câu chuyện, thậm chí là cả cuộc sống con người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Pappu Nayar, một kẻ mù tội nghiệp, bị cả cộng đồng thương hại vì bị vợ lừa dối (vợ anh liên tiếp sinh ra những đứa con không phải của anh), đã luôn biết cách hạnh phúc khi chỉ ra rằng anh có nhiệm vụ thương yêu vợ mình: “Cô ấy rất đáng thương. Cô ấy đã nhịn đói bao lần. Có lẽ cô ấy sống bằng cách đó. Cô ấy cần một người chồng để chỉ lối trên đời. Ít ra thì anh phải giúp cô ấy như thế”. Tồn tại dưới đáy sâu khốn cùng của xã hội, có lẽ, chỉ có tình yêu thương bao dung lớn lao mới có thể cứu rỗi tâm hồn con người.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.