Mối quan hệ giữa Tổng thống đắc cử Trump và giới truyền thông Mỹ ngày càng căng thẳng do truyền thông Mỹ liên tục công kích ông trong suốt chiến dịch tranh cử. Trong những ngày trước thềm lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Trump cũng đã liên tục chỉ trích giới truyền thông, theo AFP ngày 19.1.
Trả lời phỏng vấn đài Fox News (Mỹ) hôm 16.1, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm trên Twitter vì đó là cách duy nhất để đối phó với cái mà ông gọi là “truyền thông bất lương”.
Trong cuộc họp báo ngày 11.1, ông Trump gọi trang tin BuzzFeed (Mỹ) là “đống rác” vì công bố tập hồ sơ chưa được kiểm chứng với nội dung cáo buộc Nga đã đoạt được thông tin cá nhân của ông. Ông Trump còn cảnh báo trang tin này “sẽ phải hứng chịu hậu quả”. Cũng trong buổi họp báo, ông Trump phớt lờ câu hỏi của phóng viên đài CNN - cũng công bố tập hồ sơ - và bảo CNN toàn đưa tin bịa đặt.
Các nhà báo và chuyên gia phân tích truyền thông nhận định báo đài Mỹ sắp phải đối mặt với nhiều năm sóng gió dưới thời ông Trump, theo AFP.
Nhà báo Margaret Sullivan của tờ The Washington Post (Mỹ) dự đoán một giai đoạn “như dưới địa ngục” sắp tới, trong đó ông Trump “sẽ trừng phạt những nhà báo vì công việc họ đang làm” và tình nghi chính quyền ông Trump sẽ đẩy mạnh điều tra và xét xử các nhà báo.
Theo AFP, ông Trump được cho là chỉ có mối quan hệ tốt với một vài hãng tin, chẳng hạn hãng tin Breitbart News (theo hướng chính trị cánh hữu).
Trong khi đó, mối quan hệ giữa ông Trump và tờ The New York Times được cải thiện sau khi tờ báo này hứng sự chỉ trích gay gắt của ông dẫn đến cam kết sẽ đưa tin khách quan về ông. Ban biên tập tờ The New York Times còn tuyên bố sẽ đầu tư 5 triệu USD cho việc đưa tin về lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump và khẳng định “đưa tin nhanh chóng, công bằng và chính xác là ưu tiên hàng đầu trong năm 2017”.
|
Mạnh tay với truyền thông?
Ông Matt Gertz, một chuyên gia thuộc tổ chức Media Matters for America (MMfA), cho rằng ông Trump từng thể hiện rõ ý định “mạnh tay” với truyền thông sau khi nhậm chức. MMfA là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và giám sát truyền thông.
“Ông Trump sẽ phá bỏ tính hợp pháp của những hãng tin đăng tải thông tin bất lợi cho ông, kích ngòi các hãng tin chống lại nhau, thưởng cho những hãng tin dẫn lại các nguồn tin công khai ủng hộ ông”, theo ông Gertz.
Còn Chủ tịch Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Hoa Kỳ (National Press Club), ông Thomas Burr nhận định ông Trump hay dùng từ “tin tức bịa đặt” chỉ để bác bỏ những thông tin mình không thích, và điều này có thể gây mất lòng tin của người dân đối với với báo chí.
Ban chuyển giao quyền lực của ông Trump gần đây còn đề xuất bỏ những cuộc họp báo ngắn hằng ngày tại Nhà Trắng và loại bỏ phòng báo chí khỏi Cánh Tây của Nhà Trắng.
Đánh lạc hướng dư luận
Trưởng khoa Báo chí Đại học Maryland (Mỹ), bà Lucy Dalglish nhận định cách cư xử gay gắt của ông Trump đối với truyền thông chỉ là “phong cách” của ông, nhưng nhằm đánh lạc hướng dư luận và tránh những câu hỏi của phóng viên về định hướng chính sách của ông.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại tin rằng việc ông Trump “mạnh tay” với truyền thông cũng có một điểm tích cực là động viên báo chí hoạt động khách quan hơn, không thiên về bên nào.
Nhà báo Jack Shafer thuộc trang tin Politico (Mỹ) cho hay các phóng viên “nên bắt đầu hình dung việc đưa tin về ông Trump ở Washington giống như tác nghiệp ở chiến trường, nơi xung đột nối tiếp xung đột, nơi sương mù vây kín khiến phóng viên không thể thu thập thông tin đáng tin cậy trực tiếp từ những bên tham chiến”.
Tuy vậy theo lưu ý của ông Shafer, ông Trump càng mạnh tay với báo chí thì nền báo chí ngày càng tự do hơn.
Bình luận (0)