Truyền thông Trung Quốc nói gì khi TSMC cung cấp dữ liệu cho Mỹ?

10/11/2021 15:10 GMT+7

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 9.11 tiếp tục đưa tin phản đối TSMC chuyển giao thông tin chuỗi cung ứng chip cho chính phủ Mỹ, đổ lỗi cho Đài Bắc đã mềm mỏng với Washington.

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) và các công ty lớn khác tham gia trực tiếp vào ngành bán dẫn trong tuần này đã trả lời Bộ Thương mại Mỹ về việc cung cấp thông tin dữ liệu chuỗi cung ứng chip, bao gồm lượng hàng tồn kho, nhu cầu khách hàng và hoạt động giao hàng, để hiểu rõ hơn về tình hình thiếu chất bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu.

Theo một bài báo trên Beijing Business Today, tờ báo liên kết với Beijing Daily, trang tin chính thức của Thành ủy Bắc Kinh của đảng Cộng sản Trung Quốc, việc tuân thủ yêu cầu của chính phủ Mỹ được coi là “hành động đầu hàng” của TSMC.

TSMC đã đệ trình ba tài liệu vào ngày 5.11, hai trong số đó được giữ bí mật

Reuters

Bài báo còn cáo buộc Washington đã “cưỡng đoạt dữ liệu” từ TSMC, Samsung Electronics và các công ty chip hàng đầu khác để phục vụ chương trình nghị sự phát triển chất bán dẫn của Mỹ. “Không ai có thể đảm bảo rằng dữ liệu từ Samsung và TSMC, từng nằm trong tay Bộ Thương mại Mỹ, sẽ không nằm trong tay các công ty Mỹ như Intel”, bài báo viết.

Bài báo cũng lặp lại một ý kiến ​​được đưa ra vào hôm 6.11 bởi Reference News, tờ báo do Tân Hoa xã quản lý, nói rằng chính quyền Đài Bắc đã mất “dũng khí để nói không với Mỹ” vì họ cần sự bảo vệ của Washington và các nguồn lực quân sự. Nội dung bình luận chỉ ra rằng Mỹ tìm kiếm thông tin “cốt lõi” từ các công ty bán dẫn lớn như TSMC, thông tin này sẽ “trần trụi” trước mắt Washington một khi dữ liệu được cung cấp.

Trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của TSMC đối với yêu cầu từ phía Mỹ, hiện cả Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc đều không đưa ra bình luận chính thức nào.

Tháng trước, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đổ lỗi cho đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền của hòn đảo này là quá yếu để hỗ trợ TSMC từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu cho Mỹ. Lãnh đạo Cơ quan Kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua trước đó cho biết, văn phòng của bà sẽ không can thiệp vào quyết định của các công ty chip địa phương về việc gửi thông tin cần thiết cho Bộ Thương mại Mỹ.

Những suy đoán và làn sóng phản đối ở đại lục trước động thái của TSMC đã phản ánh sự ngờ vực được sinh ra bởi căng thẳng công nghệ, thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. “TSMC đã tiết lộ mức đóng góp doanh thu của Trung Quốc trong các báo cáo tài chính hằng quý của mình”, Sravan Kundojjala, chuyên gia phân tích cấp cao tại Strategy Analytics, nói hôm 8.11.

Mặc dù không có công ty Trung Quốc nào là mục tiêu khảo sát trực tiếp của Mỹ, nhưng yêu cầu về cung cấp dữ liệu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong lĩnh vực bán dẫn của nước này, vốn đã phải đối mặt với không ít hạn chế gia tăng từ các lệnh trừng phạt của Washington nhằm hạn chế quyền truy cập vào các thiết bị và công nghệ chip tiên tiến.

Tính đến ngày 8.11, có khoảng 40 tổ chức, bao gồm các công ty bán dẫn, trường đại học và một số cá nhân nhất định, đã trả lời yêu cầu cung cấp dữ liệu bán dẫn của chính phủ Mỹ. TSMC đã đệ trình ba tài liệu vào ngày 5.11, hai trong số đó được giữ bí mật. Tài liệu mà công chúng có thể xem bao gồm doanh thu dự báo trong năm nay, số liệu bán hàng cho năm 2020 và 2019. Hiện không tìm thấy thông tin khách hàng nào trong tài liệu công khai. TSMC tháng trước đảm bảo sẽ “không cung cấp thông tin bí mật của khách hàng”.

Theo báo cáo của Korea Times hôm 9.11, dữ liệu do các nhà cung cấp chip nhớ Samsung và SK Hynix đệ trình cho Bộ Thương mại Mỹ không bao gồm thông tin bí mật, ví dụ như tên của khách hàng và mức hàng tồn kho.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.