Hàng loạt vấn đề nghiêm trọng
Sáng 26.4, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới”.
Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển phát biểu khai mạc hội thảo |
GIA HÂN |
Trong phát biểu khai mạc, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam như việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra.
“Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên”, ông Hiển nêu.
Theo ông Hiển, vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thông dụng lao động. Ở mức độ nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng.
Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhất là vốn ODA. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế.
"Thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện".
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đánh giá 30 năm đổi mới vừa qua, thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta là rất tích cực.
“Quan trọng nhất là việc thay đổi phương thức phát triển - từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường - mở cửa. Mô hình thay đổi, tạo ra một động lực phát triển mới mạnh mẽ, giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng “mất động lực tăng trưởng” kéo dài nhiều năm trước”, ông Thiên phân tích.
PGS-TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo |
gia hân |
Tuy nhiên, theo ông Thiên, nếu nhìn sâu vào thực chất phát triển dễ nhận thấy nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang chứa đựng "hàng loạt vấn đề".
Đó là tăng trưởng không vững chắc, xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, chất lượng và đẳng cấp phát triển chậm thay đổi, các điểm tắc nghẽn tăng trưởng và phát triển chậm được tháo gỡ,…
Theo ông Thiên, mức độ nghiêm trọng còn rõ ràng hơn khi xem xét “tính có vấn đề” của thực lực doanh nghiệp Việt Nam từ góc độ cạnh tranh quốc tế”.
Ông Thiên phân tích các thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế được coi ngoạn mục trong giai đoạn vừa qua cơ bản gắn với mô hình, trong đó, cơ sở chủ yếu của tăng trưởng là khai thác các nguồn lực sẵn có (nguồn lực “tĩnh”) theo cách “tận khai” truyền thống (khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô), ít dựa vào những thay đổi cơ cấu.
Ngay cả nỗ lực mở cửa - hội nhập để vươn ra thế giới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tụt hậu với các nước đi trước cũng dựa chủ yếu vào nền tảng “tận khai” tài nguyên, lao động rẻ, kỹ năng thấp và đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ yếu kém về năng lực.
Bên cạnh đó, tình trạng “có vấn đề” (mà theo ông Thiên là "nghiêm trọng") của sự phát triển bắt nguồn từ chỗ các động lực phát triển của nền kinh tế không được phát huy, thậm chí bị suy giảm.
"Đó là căn nguyên của tình trạng 'tụt hậu phát triển' khó được khắc phục, thậm chí, ở một số khía cạnh cơ bản, còn là xu thế 'tụt hậu xa hơn' so với những nền kinh tế mà Việt Nam cần phải đua tranh, sớm 'đuổi kịp' để 'sánh vai'", ông Thiên đánh giá.
Ông Thiên cho rằng thực trạng nói trên đã được giới khoa học thảo luận, được Đảng và Nhà nước nhận diện và điều chỉnh, thay đổi. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng - kể khi đó là một mô hình “đúng”, như vẫn thường được khẳng định, làm cho việc thay đổi để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới đứng trước những khó khăn, thách thức khó lường.
Trong khi đó, hệ thống kinh tế thế giới đang chuyển rất nhanh vào thời đại phát triển mới, với logic phát triển thay đổi cơ bản, với những đặc trưng khác thường về tốc độ, sự rủi ro,... đang đòi hỏi những năng lực phát triển mới.
“Việt Nam đi sau, còn non yếu nhiều mặt, lại là một nền kinh tế mở khác thường. Thách thức đổi mới mô hình tăng trưởng càng đặt ra gay gắt”
PGS-TS Trần Đình Thiên
Doanh nghiệp tư nhân lớn chủ yếu thông qua đầu cơ đất đai
Từ đó, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất nhiều “định hướng giải pháp” để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể là xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ các thị trường đầu vào, đặc biệt chú ý phát triển thị trường đất đai, xây dựng hệ thống pháp luật tôn trọng và bảo vệ các quyền tài sản của các chủ thể kinh tế.
Hội thảo do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước |
gia hân |
Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia “Phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam” theo tinh thần thị trường; quan tâm thúc đẩy xây dựng các chuỗi sản xuất Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam thành lực lượng dẫn dắt các chuỗi mà trụ cột là các tập đoàn tư nhân.
Ông Thiên cũng đề xuất cần tích cực cải cách nhà nước với hai nội dung lớn là xây dựng một nhà nước phục vụ phát triển; xây dựng một nhà nước thông minh, trong đó, một nội hàm quan trọng là xây dựng “Chính phủ số” và “đô thị thông minh”.
Trong định hướng này, ông Thiên đề xuất cần xây dựng bộ máy nhà nước theo nguyên tắc “tổ chức theo chức năng”; tính chuyên nghiệp công vụ (tuyển chọn cán bộ và trách nhiệm công việc). Bên cạnh đó, cải cách chế độ lương trong khu vực nhà nước theo nguyên tắc tiền tệ hóa hoàn toàn tiền lương; trả lương theo chức năng và theo hợp đồng công việc (theo mức độ hoàn thành công việc cam kết).
Ông Thiên cũng đề xuất cần thực hiện chiến lược thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài mới, theo nguyên tắc “hạn chế ưu đãi, quan tâm xây dựng thể chế tốt”, tạo thuận lợi tối đa để hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Ngoài ra, từ bỏ cơ chế phân phối vốn theo kiểu chia đều, xin - cho, tập trung phát triển các cực tăng trưởng và các trung tâm phát triển đủ tầm và sức cạnh tranh quốc tế.
"Doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai"
TS Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)
Trong khi đó, TS Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trong tham luận tại hội thảo cho rằng, để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển bên cạnh việc duy trì tỉ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Theo chuyên gia này, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ; doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai.
Do đó, cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và FDI, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ.
"Bên cạnh đó Việt Nam cần chuyển hóa tốt hơn từ khâu lập chiến lược, kế hoạch đến khâu triển khai chiến lược, kế hoạch thông qua việc giảm phân mảnh quyền lực trong quá trình thực thi”, TS Jonathan Pincus kiến nghị.
Bình luận (0)