Theo DW, trong chuyến công du Đài Loan mới đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gặp mặt Chủ tịch TSMC Mark Liu vào hôm 3.8. Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc quá lớn vào chất bán dẫn TSMC trong hầu hết các lĩnh vực, từ hàng không vũ trụ đến điện tử tiêu dùng.
TSMC đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu |
reuters |
TSMC đặt trụ sở tại Công viên Khoa học Tân Trúc ở Tây Bắc Đài Loan. Ngay cả sự gián đoạn nhỏ nhất trong sản lượng sản xuất của công ty cũng ảnh hưởng đến các dây chuyền lắp ráp trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Được thành lập vào năm 1985, Công viên Khoa học Tân Trúc chia thành 6 công viên vệ tinh, bao gồm Hsinchu, Zhunan, Tonglu, Longtan, Yilan và Công viên Y sinh Hsinchu, với tổng cộng khoảng 150.000 nhân viên. Lĩnh vực chính của nơi đây là công nghiệp vi mạch tích hợp, chiếm 70% tổng giá trị sản lượng.
Còn được gọi là Thung lũng Silicon của Đài Loan, công viên này chỉ cách Trung Quốc khoảng 150 km. Nơi đây đã khai sinh thành công các doanh nghiệp trong những lĩnh vực công nghệ khác như viễn thông, quang điện tử, máy móc chính xác và công nghệ sinh học.
20 nhà sản xuất chip tại công viên Hsinchu, bao gồm TSMC và UMC, là những nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Chẳng hạn, TSMC là nhà cung cấp độc quyền chip Apple Silicon cho iPhone và máy Mac, cũng như là đối tác sản xuất của các công ty Mỹ khác như AMD, Broadcom và Qualcomm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, ông Liu cho biết các xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể khiến nhà máy TSMC không thể hoạt động được bởi cơ sở sản xuất tinh vi của TSMC “phụ thuộc vào kết nối thời gian thực với thế giới bên ngoài”.
Nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới không có địa điểm sản xuất riêng mà ủy thác cho TSMC để sản xuất chip do họ thiết kế. Vì vậy, TSMC đã có một vị trí quan trọng về mặt hệ thống trên thị trường toàn cầu. Tình trạng thiếu chip toàn cầu do đại dịch Covid-19 đã khiến việc sản xuất ô tô, TV và máy tính bị trì hoãn, đồng thời thúc đẩy lạm phát toàn cầu.
Sự gián đoạn của TSMC có thể kéo theo chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng |
reuters |
Trong cuộc họp giữa ông Liu và bà Pelosi, hai bên đã thảo luận về đạo luật Chips vừa được thông qua ở Mỹ nhằm mục đích cải thiện chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Luật mới bao gồm gói hỗ trợ trị giá 52 tỉ USD để hỗ trợ sản xuất chip ở Mỹ, và TSMC có thể được hưởng lợi từ chương trình do nhà máy chip trị giá 12 tỉ USD mà công ty đang lên kế hoạch xây dựng ở Arizona. Đây không phải là nhà máy đầu tiên của TSMC trên đất Mỹ bởi trước đó hãng đã xây dựng nhà máy sản xuất tấm silicon ở Bờ Tây Mỹ cùng một trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế chip ở Texas.
Hiện tại, Liên minh châu Âu cũng đang nghiên cứu về dự luật nhằm tăng cường sức mạnh cho ngành sản xuất chip của họ. Đạo luật chip của châu Âu sẽ bao gồm các khoản trợ cấp khoảng 43 tỉ EUR nhằm thúc đẩy sản xuất chip tại châu Âu từ 10% trên toàn cầu hiện nay lên 20% vào năm 2030.
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc vẫn không có khả năng sản xuất chip chất lượng cao như Đài Loan, chủ tịch của TSMC cho biết “Họ có thể, nhưng sẽ phải mất một vài năm sau”.
Bình luận (0)