Theo thông tin từ Bộ Nội vụ tại cuộc họp báo vào chiều 20.6, từ ngày 1.7, lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng lên 2,34 triệu đồng, tăng 634.000 đồng so với mức lương cũ và mức lương tối thiểu vùng tăng 6%. Đây là tin vui với công chức, viên chức, người lao động trẻ trên cả nước. Trong tình hình giá cả leo thang, mức lương cơ bản chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng lương giúp chia sẻ phần nào khó khăn với người lao động.
Lo sợ giá cả “té nước theo mưa”
Lê Nguyễn Như Huỳnh (23 tuổi), ngụ xã An Thái Đông, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang làm giáo viên mầm non, cho biết mức lương của giáo viên khá thấp nên ngoài giờ lên lớp, Như Huỳnh phải làm nghề tay trái là bán hàng trực tuyến để mưu sinh nên khó toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Nghe thông tin lương cơ bản chuẩn bị tăng, Huỳnh cảm thấy rất vui mừng, điều này sẽ bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền, có thêm động lực để gắn bó với nghề.
“Hệ số lương của mình hiện tại là 2,34 nhân với lương cơ bản 1,8 triệu đồng thì khoảng 4,2 triệu đồng, cộng phụ cấp giáo viên, lương mình khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1.7, lương cơ sở tăng thì lương của mình tăng khoảng 1,2 triệu đồng, chưa tính phụ cấp. Mình trông chờ từng ngày đến ngày nhận lương mới. Mình mong tăng lương nhưng đừng giảm chế độ phụ cấp, ưu đãi nghề”, Như Huỳnh bày tỏ.
Như Huỳnh cho biết tăng lương là đều công chức, viên chức rất phấn khởi nhưng cũng mong khi lương tăng, giá cả phải được bình ổn, nếu không niềm vui ấy không còn trọn vẹn.
Chị Nguyễn Thị Kim Huyền (23 tuổi), đang làm việc cho 1 cơ quan nhà nước tại Q.3, TP.HCM, chia sẻ: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc lương cơ bản tăng là điều đáng mừng như chiếc phao cứu sinh giúp mình vượt khó, yên tâm làm việc. Dự kiến lương của mình sẽ tăng khoảng hơn 1 triệu đồng so với hiện tại. Đây là khoản giúp mình dư dả để dành chăm lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, mình cũng sợ tình trạng giá cả thực phẩm, điện, nước, xăng, gas… có chiều hướng leo thang, lương tăng ít mà giá tăng nhiều”.
Tăng lương cơ sở từ 1.7, thu nhập của người làm nhà nước thay đổi thế nào?
Sau 9 năm đi làm công nhân, lương cơ bản của chị Võ Thị Thỏa (32 tuổi), ngụ khu phố Bình Đường, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), đang làm việc tại khu chế xuất Linh Trung (TP.Thủ Đức), vẫn chỉ được 8 triệu đồng/tháng. Con số này bao gồm mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn TP.HCM và phụ cấp của công ty, thời gian tăng ca nhưng vẫn chưa đủ để chị Thỏa trải cuộc sống.
“1 mình tôi đang gồng gánh cả gia đình, rất nhiều khoản phải chi. Thời điểm vật giá leo thang khiến tôi phải thắt chặt chi tiêu tối đa, một số khoản chi như: mua áo quần, đám cưới, tiệc… đều bị cắt bớt. Vì vậy, việc tăng thêm dù chỉ 200.000 đồng với công nhân như tôi là điều rất cần thiết, có thêm tiền mua này, mua kia”.
Tăng cường quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu
Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết Chính phủ đã đề ra kế hoạch tăng lương rõ ràng, theo lộ trình, kế hoạch chứ không phải tăng bất ngờ. Thu nhập cán bộ công chức, viên chức của Việt Nam so với các nước còn chưa cao, lương thấp khiến đa số làm việc không toàn tâm toàn ý, họ phải làm thêm công việc bên ngoài. Điều này dẫn đến chất lượng công vụ không tốt. Tăng lương đợt này sẽ phần nào giải quyết vấn đề trên.
“Hiện tại, lương giám đốc sở, trưởng phòng của sở so với giám đốc, trưởng phòng của các doanh nghiệp thì thấp hơn rất nhiều. Cơ quan Nhà nước cần những cán bộ công chức tài năng để làm việc nhưng thực ra mức lương không hấp dẫn so với tư nhân. Trách nhiệm cao, rủi ro nhiều mà lương thì thấp do vậy thi tuyển nhân tài cũng không được. Để tạo ra khu vực công hấp dẫn thì phải lên lương. Các cơ quan có thẩm quyền cần cho cán bộ công chức thấy lộ trình tăng lương để họ tiếp tục gắn bó với công việc. Đây không phải lần lương cuối cùng, mức lương tăng còn thấp nên sẽ còn nhiều lần tăng nữa”, tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền nói.
Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhìn nhận mỗi lần tăng lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng, một số nhà sản xuất lợi dụng lương tăng, họ “té nước theo mưa” đẩy giá hàng hóa tăng lên. Việc tăng lương không tác động đến vấn đề giá cả, giá cả do cung cầu quyết định. Nếu muốn hạn chế tình trạng giá cả tăng theo lương thì các cơ quan nhà nước tăng cường quản lý thị trường về các mặt hàng thiết yếu. Tăng lương nhưng đảm bảo thu nhập thực tế tăng thì chính quyền phải quản lý giá cả. Nếu những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội mà quản lý được mặt bằng giá sẽ kéo theo các địa phương khác ổn định.
Trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên vào ngày 16.4.2024, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội, cho biết: “Lương cơ bản theo vùng tương đối thấp. Việc tăng lương chắc chắn mang nhiều lợi ích cho người lao động, họ có thêm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần đặt mối tương quan về quản lý kinh tế kinh tế vĩ mô trong điều tiết giá cả để cho việc tăng lương trở nên hữu hiệu hơn. Hiện nay, lương chưa tăng nhưng chi phí sinh hoạt đã khá cao so với mặt bằng chung. Tôi lo rằng tăng lương kéo theo tăng giá. Nếu không có những điều tiết về thị trường phù hợp về mặt giá cả, việc tăng lương nằm ở mức bão hòa”.
Bình luận (0)