Để tìm câu trả lời, Thanh Niên đã phỏng vấn GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) và GS Dwight Perkins (chuyên về kinh tế, Đại học Harvard, Mỹ). Trong đó, GS Dapice là người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về kinh tế VN cũng như khu vực, GS Perkins được xem là người tiên phong về nghiên cứu mô hình kinh tế Đông Á.
Chưa đến mức khủng hoảng như năm 2007 - 2009
Giải mã lý do 2 ngân hàng sụp đổ, GS Perkins chỉ ra: "Vấn đề của kinh tế Mỹ hiện tại là lạm phát và biện pháp mà nước này tập trung để giảm lạm phát xuống dưới mức 2% là tăng lãi suất cơ bản".
Theo GS Perkins, giải pháp trên khiến một số ngân hàng không đủ sức ứng phó rủi ro trước mức lãi suất cao. "Để kiếm lời, một số ngân hàng đã mua lượng lớn trái phiếu dài hạn có lãi suất cao hơn một chút. Giá trị những trái phiếu này đã giảm khi lãi suất cơ bản tăng nên ngân hàng gặp khó. Khi nghe tin các ngân hàng gặp khó khăn, người gửi tiền đã vội vã rút tiền khiến các ngân hàng phải chấp nhận bán trái phiếu với giá thấp nên thua lỗ, dẫn đến phá sản", ông Perkins phân tích.
Tuy nhiên, ông cho rằng: "Chính phủ Mỹ đã đối phó với tình huống này khi bảo đảm để người gửi tiền khỏi bị mất tiền. Trong bối cảnh như vậy, rủi ro lớn nhất là một số ngân hàng bị phá sản, nhưng không đến mức bùng nổ khủng hoảng tài chính như năm 2007 - 2009".
Cơ hội giữa thách thức
Tương tự, GS Dapice đánh giá: "Việc Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature, đều có quy mô trung bình, phá sản tạo ra tác động không lớn, vì hầu hết các khoản tiền gửi đều được chính phủ bảo hiểm, ngay cả khi thông thường thì các khoản tiền gửi không quá 250.000 USD (hoặc 500.000 USD cho các tài khoản chung) được bảo hiểm".
"Rủi ro đáng lo là tiền gửi sẽ bị rút khỏi khỏi ngân hàng và gây ra khủng hoảng tín dụng. Vì thế, nhiều ngân hàng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay và trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay", GS Dapice phân tích và cho rằng động thái này gây ra tác động tương tự lãi suất cao do việc tiếp cận dòng vốn khó hơn.
"Câu hỏi đặt ra là liệu các điều kiện tín dụng có trở nên "quá chặt chẽ" và gây ra suy thoái hay không? Chưa có đầy đủ dữ liệu để trả lời cho câu hỏi này, nhưng việc kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" sẽ trở nên khó khăn hơn", GS Dapice nhận định. Rủi ro khác mà ông nêu ra là Hạ viện Mỹ sẽ không thỏa hiệp với Nhà Trắng về việc nâng trần nợ công. "Nếu điều đó xảy ra, thì kinh tế Mỹ sẽ bị gián đoạn", ông lo ngại.
Tuy nhiên, GS Dapice cũng chỉ ra những điểm sáng kinh tế Mỹ: "Tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ cho đến nay, đầu tư kinh tế "xanh" sẽ tăng lên và hầu hết các ngân hàng đều có đủ vốn. Phần lớn các dự báo đều cho rằng tăng trưởng chậm trong năm nay nhưng không phải suy thoái, rủi ro đang ở chiều hướng giảm".
Không gây ảnh hưởng lớn đến VN
Về tác động của biến cố thị trường tài chính Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, GS Perkins nhận xét: "Biến cố hiện tại của các ngân hàng Mỹ (và châu Âu) không gây ra vấn đề lớn cho các nền kinh tế châu Á, nhưng lãi suất của Mỹ tăng có thể sẽ kéo theo lãi suất ở châu Á tăng. Nếu cũng đưa ra những đánh giá sai lầm giống như một số ngân hàng Mỹ, thì các ngân hàng châu Á có thể gặp rắc rối vì người gửi rút tiền khỏi ngân hàng. Nếu điều đó xảy ra thì mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào quyết sách của ngân hàng trung ương sở tại". Đánh giá sai lầm mà GS Perkins đề cập chính là các phân tích của các ngân hàng khi tiến hành các khoản đầu tư.
Trong khi đó, ảnh hưởng mà GS Dapice chỉ ra là: "Khi thị trường Mỹ tăng trưởng chậm hơn có nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu của các nền kinh tế xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp khó". Mặc dù vậy, ngay cả khi nhập khẩu Mỹ không tăng trưởng, GS Dapice cho rằng xuất khẩu của ASEAN nói chung và VN nói riêng vẫn có thể tăng do sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất rời khỏi Trung Quốc.
Ngoài ra, ông nhận xét thêm: "Cuộc chiến Ukraine có thể gây ra sự gián đoạn hơn nữa đối với thị trường năng lượng, thực phẩm và phân bón và đó là một yếu tố rủi ro toàn cầu. Tuy nhiên, xét về tổng thể, VN đang ở vị thế tốt hơn so với hầu hết các nước và sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế lớn của ASEAN".
Qua đó, ông cũng khuyến nghị: "Kinh tế VN vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Muốn vậy thì đầu tư công phải đạt mục tiêu, đồng thời VN cần sớm giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó khó thực hiện nhưng vẫn nằm trong tầm tay".
Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh ?
Đài CNBC đưa tin cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Jerome Powell cùng hàng chục quan chức thuộc Hội đồng Giám sát ổn định tài chính của Mỹ đã có cuộc họp kín đặc biệt. Thông tin sau cuộc họp nêu rằng: "Hội đồng đã thảo luận về tình hình hiện tại của lĩnh vực ngân hàng và nhận thấy một số tổ chức tài chính đang gặp căng thẳng, nhưng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh". Các thông tin chi tiết hơn chưa được tiết lộ.
Thông tin trên được phát đi sau khi thống kê mới của Fed cho thấy tính từ sau khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature sụp đổ đến ngày 15.3, người gửi tiền đã rút 98,4 tỉ USD ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ. Trong đó, phần lớn số tiền được rút khỏi các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, số tiền gửi ở nhóm ngân hàng lớn của Mỹ lại tăng thêm 67 tỉ USD.
Theo đó, tổng số tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ giảm 0,6% so với trước đó, còn khoảng 17.500 tỉ USD. Số này giảm khoảng 582,4 tỉ USD so với tháng 2.2022.
Bình luận (0)