Điều gì đã khiến anh từ bỏ kiếp bụi đời, tu chí làm ăn để thành ông chủ của xưởng sửa ô tô với 15 nhân sự như ngày nay?
Không có gì để mất nên không sợ ai!
Tôi gặp anh Phùng Ngọc Phong (42 tuổi) tại garage ở góc đường Điện Biên Phủ - Tân Cảng, dịch Covid-19 đã lùi, xưởng sửa xe của anh ô tô đậu kín chỗ, thợ già, thợ trẻ cắm cúi làm không ngơi tay. Ít ai có thể ngờ được, ông chủ của cơ ngơi lớn thế này từng có một quá khứ là trẻ bụi đời.
Ở tuổi trung niên, anh Phong vẫn rắn rỏi, phong độ, mặc áo sơ mi, quần jean, tóc vuốt keo chỉn chu. Nhắc về cuộc đời mình, anh chắc nịch: “Có những ngày tháng đó mới có tôi của hiện tại”.
Anh Phong (bên trái) đang cùng thợ xem xe tại xưởng |
Vũ Phượng |
Năm anh 10 tuổi, ba mẹ ly dị, ai cũng có gia đình mới nên anh bỏ đi bụi, ai sai gì làm đó, miễn là có cái ăn. Lang bạt theo ghe của những lái buôn, anh dạt từ khu kinh tế mới của người Việt ở Campuchia về Sài Gòn.
“Về Sài Gòn còn khủng khiếp nữa, dọc khu chợ Cầu Muối, khu Chợ Lớn, các công viên toàn dân bụi đời. Thời đầu tôi ngủ bụi dọc đường Nguyễn Chí Thanh, bao năm qua, con đường này gần như không có gì thay đổi”, anh nói.
Ăn bờ ngủ bụi, anh bị công an bắt đưa vào trung tâm thiếu niên, ở đây được dạy học, anh mới biết đến mặt chữ. Được 3 năm, anh theo lời rủ rê bỏ trốn qua ngoài, tiếp tục cuộc sống bụi đời ở chợ Cầu Muối, chân cầu ông Lãnh.
Xưởng sửa xe ô tô của anh Phong hiện có 15 nhân sự |
Vũ Phượng |
Ngày ấy, anh đánh nhau chảy máu đầu, xịt máu mũi, bầm mắt như cơm bữa với đủ lý do: tranh giành địa bàn, bị ăn hiếp, đánh bảo vệ đồng bọn, thậm chí nhìn thấy ghét cũng bị đánh. Anh kể: “Tôi được mấy thằng lớn chỉ cho việc phụ kéo xe rau, xe cá, canh chủ sơ sở thì đẩy xe chạy luôn. Vậy mới có tiền nộp cho mấy thằng lớn rồi được tụi nó chia. Mà ăn cướp vậy hoài trước sau gì cũng bị công an bắt, y như rằng, có ngày công an đưa tôi vào trường giáo dưỡng ở Đồng Nai”.
Vào trường giáo dưỡng, cả một thế giới bụi đời, giang hồ thu nhỏ, anh nghĩ bụng: Không có gì để mất, ở đâu cũng có ăn, bắt vô đó thì cũng được ăn khỏi cần làm gì. Anh gặp lại “chiến hữu”, được phong làm “đại ca” của nhóm hơn 60 tên với đủ loại tội danh. Anh lại càng chơi tất tay, đánh luôn “công tử” con nhà giàu nào để trấn lột vài đồng tiêu xài, lập băng ban đêm đi đánh nhau giữa nhóm này với nhóm khác chỉ vì thích… thể hiện.
Nhìn lại chặng đường của mình, anh Phong cho biết đó là cả quá trình kiên trì với ý chí, đam mê và sự may mắn |
Vũ Phượng |
“Thời đó quýnh lộn không phân biệt bự hay nhỏ con mà chỉ xem đứa nào lỳ hơn là đứa đó thắng. Người ta quýnh lộn sợ bị kỷ luật, gia đình không được vào thăm, còn tôi không có gia đình nên đâu có gì phải sợ”, anh nhắc lại quá khứ.
Gian nan quyết tâm đổi đời
Bước ra từ trại giáo dưỡng, nơi đầu tiên anh tìm về là Cầu Muối, nhưng người cũ đã tứ tán khắp nơi. Chỉ còn 2 – 3 người ở lại, ai cũng tu chí làm ăn, người bán vé số, người làm thuê, tối đến mới về ngủ. Không còn bạn bè, không còn hội nhóm, anh nhờ một người thầy ở CLB Cầu Muối ngày ấy xin giúp chân chạy bàn quán cà phê, đi phụ hồ.
Mấy năm trời sống kiếp bụi đời, anh chưa bao giờ biết tủi thân là gì, vậy mà mới mấy tháng quyết định tự đi làm kiếm đồng tiền chân chính, anh thấy chạnh lòng về cuộc đời, nếm trải mùi “ma cũ ăn hiếp ma mới”.
Xưởng sửa xe ô tô lúc nào cũng kín xe đậu |
Vũ Phượng |
Nhìn sinh viên đi chạy bàn, mỗi người học mỗi ngành, nghề, ai hỏi anh cũng ậm ừ nói xạo: “học nghề ô tô”. Được đồng nghiệp rủ tham gia các hoạt động xã hội, anh dần nhận ra những điều ý nghĩa khác và quyết tâm thay đổi cuộc đời.
Mê ô tô, anh nghĩ phải có nghề, biết làm nghề để không bị ai ăn hiếp nữa nên anh lại nhờ thầy giới thiệu đi học sửa ô tô ở trường nghề tại Q.5. Ban ngày đi học, tối đi làm thêm.
Anh bộc bạch: “Cả mấy năm trời đi bụi mình không nghĩ đến gia đình, nhưng khi nhìn thấy người ta cùng con cái vào hàng quán thì mình nghĩ nếu mình có gia đình thì mình cũng được vậy đó. Khoảng thời gian ấy chính các bạn sinh viên làm tôi thay đổi cách sống của mình”.
Đam mê với ô tô, anh Phong đã quyết tâm theo đuổi nghề này |
Vũ Phượng |
21 tuổi, anh mới thuê căn nhà trọ đầu tiên trong đời. Nếu như mọi người thấy ấm áp, giấc ngủ ngon hơn khi có chỗ che mưa che nắng, thì với anh Phong đó là cảm giác chật chội, bí bách và cô đơn vì chỉ có một mình.
Anh xin vào làm trong một garage ô tô suốt 3 năm trời để học nghề, chỉ có tiền bồi dưỡng, không lương. “Ở trường mình học toàn lý thuyết, tới khi mở nắp ca pô lên thấy một mớ dây lằng nhằng choáng luôn. Nhưng nhìn qua bên thấy mấy anh thợ khác làm được nên tôi nghĩ mình cũng phải làm được, quyết tâm phải làm được”, anh chia sẻ.
Làm ở garage, thấy khách đến toàn người có học thức, sang trọng, anh nghĩ lại mình, chỉ mới học xong chương trình lớp 6 theo hệ 3 năm 6 lớp ở trung tâm thiếu niên ngày trước, anh lại đi học bổ túc.
Thời gian sau, anh xin được một chân trong xưởng của Mitsubishi. Có cơ hội học nghề, tiếp xúc với nhiều người giàu, khác biệt thế giới bụi đời của anh bao nhiêu năm qua.
Từ trẻ bụi đời thành ông chủ
Cứ nhìn những người thành đạt làm mục tiêu cho bản thân, anh dự định tốt nghiệp THPT xong sẽ thi ĐH Sư phạm kỹ thuật.
Dự định đang trong lúc ấp ủ chuẩn bị thực hiện thì anh Phong nhận lời đề nghị của anh Nguyễn Khoa Nghiêm (nhân viên hãng Mitsubishi khi ấy) rủ ra riêng mở garage. Anh Phong phân vân mãi, nghĩ bản thân đã may mắn lắm mới xin vào được xưởng của hãng xe nổi tiếng, tay nghề ổn định, khách thương.
Suốt mùa dịch, anh vẫn trả lương cho nhân viên đầy đủ |
Vũ Phượng |
Nhưng rồi anh vẫn quyết định thay đổi để tìm cơ hội cho chính mình. “Năm 2006, khi ấy tôi chỉ có 20 triệu tiền tiết kiệm sau bao năm trời, anh Nghiêm không biết sửa xe nhưng có 60 triệu cùng hùn vào, lấy tên Phùng Nguyễn là họ của hai anh em. Người ta mở tiệm tính lời lỗ sau 3 tháng sao, chúng tôi không tính gì, nhưng may chưa bao giờ chịu lỗ, trừ mùa dịch Covid-19 vừa qua”, ông chủ garage nói.
Nhìn lại chặng đường của mình, anh Phong cho rằng đó là sự may mắn, vì ngay thời điểm đầu mở garage, anh đã gặp được chủ nhà dễ thương, lấy giá thuê rẻ, giới thiệu thêm khách cho anh.
Rành rọt chuyên môn, anh Phong được anh Nghiêm tin tưởng giao hết việc ở garage để anh quán xuyến. Và 16 năm qua, lượng khách đến garage mỗi lúc một đông hơn, khách quen luôn luôn ghé lại.
Ý chí làm đầu, mình chọn nghề cũng phải đúng đam mê. Tôi thấy mình may mắn, hầu như tôi vô môi trường nào cũng gặp những người giỏi làm tôi thay đổi, học hỏi được nhiều điều
Anh Phùng Ngọc Phong
Anh Nguyễn Khoa Nghiêm cũng chia sẻ, chơi chung với anh Phong từ ngày làm cùng hãng, biết quá khứ anh Phong là trẻ bụi đời, có thể nhiều người e ngại. Nhưng qua tiếp xúc hằng ngày, anh Nghiêm tin vào lựa chọn của mình. Anh nhìn thấy ở anh Phong sự chịu khó, năng nổ, cầu tiến và là thợ giỏi của hãng nên đã rủ anh ra mở garage riêng.
“Bao năm qua tôi giao anh Phong lo hết mọi việc của garage. Công việc, tiền bạc, xưởng, nhân sự ảnh đều giải quyết nhanh gọn, rõ ràng, khách hàng hài lòng và thân thiết”, anh Nghiêm nhận xét.
Trong đám cưới của anh Phong, anh Nghiêm cũng là người đại diện nhà trai đi đón dâu.
Lớn lên trong thế giới bụi đời, anh Phong sống trọng nghĩa, cả mùa dịch không một khoản thu nhưng anh vẫn trả lương nhân viên, thợ đầy đủ. Anh nói: “Anh em theo mình 5 năm, 10 năm trở lên, mà giờ không lẽ có mấy tháng mình không lo cho anh em được. Đói thì cùng nhau đói, có ăn thì cùng nhau ăn”.
Anh cũng từng tình cờ gặp lại một vài người bạn bụi đời khi xưa, rủ vào xưởng học nghề hoặc học lái ô tô để có công việc ổn định, nhưng nghề đặc thù này đòi hỏi phải có đam mê nên chưa ai gắn bó được. Duy chỉ có một số em từ mái ấm, nhà mở được anh dạy nghề, nay đã thành thợ ở những xưởng khác, một số sinh viên được anh hướng dẫn thực tập nay cũng có chức, có quyền ở các hãng xe.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (42 tuổi, vợ anh Phong) khi biết quá khứ bụi đời của chồng và sự quyết tâm làm lại cuộc đời của anh thì càng thêm ngưỡng mộ vì nghị lực của người đàn ông trước mọi sóng gió cuộc đời.
“Tôi được ba mẹ nuôi dạy ăn học, ảnh thì một thân một mình, rất giỏi mới vươn lên như vậy được, tôi tin tưởng người đàn ông nghị lực này. Ở nhà ba mẹ ban đầu thì không thích lắm, khuyên mình tìm hiểu kỹ, giờ thì hiểu rồi. Anh lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Sau công việc thì anh và mọi người ở xưởng đều như những người anh em với nhau”, vợ anh Phong bày tỏ.
Nói tới điều đã thay đổi cả cuộc đời, anh Phong tâm sự: “Ý chí làm đầu, mình chọn nghề cũng phải đúng đam mê. Tôi thấy mình may mắn, hầu như tôi vô môi trường nào cũng gặp những người giỏi làm tôi thay đổi, học hỏi được nhiều điều”.
Từ những đồng tiền dành dụm sau khi ra mở xưởng, anh Phong đã mua được chiếc xe hơi đầu tiên, mua nhà Sài Gòn và chăm lo cho cuộc sống của 15 nhân sự của garage.
Bình luận (0)