Từ chuyện thầy Hàn Quốc của Hoàng Xuân Vinh: Bao giờ mới hết 'bạc' với nhân tài?

12/09/2024 13:04 GMT+7

Chuyên gia đẳng cấp đồng ý đến Việt Nam đã hiếm, mà ngành thể thao còn không chọn cách đối xử phù hợp thì chẳng biết bao giờ thể thao Việt Nam mới lại có người giỏi để vực lên. Câu chuyện của chuyên gia Park Chung-gun ở đội tuyển bắn súng Việt Nam là ví dụ.

Người tài bỏ đi vì bị ứng xử bất công

Lịch sử thể thao Việt Nam mới ghi nhận 5 tấm huy chương trong lịch sử các kỳ thế vận hội. Đó là HCB taekwondo của Trần Hiếu Ngân (Olympic 2000), HCB cử tạ của Hoàng Anh Tuấn (Olympic 2008), HCĐ cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn (Olympic 2012) cùng 1 HCV và 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh (Olympic 2016).

Tức là chỉ riêng môn bắn súng, số huy chương đã chiếm 40% những gì thể thao Việt Nam làm được ở sân chơi danh giá nhất thế giới. Hơn nữa, đó còn là tấm HCV mà trước đây Việt Nam còn... không dám mơ.

Từ chuyện thầy Hàn Quốc của Hoàng Xuân Vinh: Bao giờ mới hết 'bạc' với nhân tài?- Ảnh 1.

Chuyên gia Park Chung-gun

ẢNH: BÙI LƯỢNG

Làm thế nào để đào tạo ra một VĐV đạt HCV Olympic? Theo một nghiên cứu tại Mỹ, số tiền có thể lên tới hàng triệu USD, tức là trên dưới trăm tỉ đồng, xấp xỉ 12% ngân sách chi cho thể thao Việt Nam hàng năm. Nhưng quan trọng hơn tiền bạc, đó là yếu tố con người. Phải có thầy giỏi và trò giỏi, đặt trong điều kiện tập luyện tối ưu, mới có thể mơ về Olympic. Trọng tâm để nâng tầm thể thao Việt Nam là phải có nhân tài.

Trở lại với môn bắn súng, chuyên gia Park Chung-gun gắn bó với thể thao Việt Nam trong hơn một thập kỷ. Ngày ông Park đến, bắn súng Việt Nam chưa từng có vàng ở ASIAD và Olympic. Hoàng Xuân Vinh và đồng đội tập bắn mà không có đạn, cứ nâng súng lên rồi... hạ xuống. Khi các đối thủ được trang bị "tận răng", thầy trò Park Chung-gun và Hoàng Xuân Vinh lầm lũi bước qua những ngày khó khăn nhất.

Khoảnh khắc Hoàng Xuân Vinh chiến thắng xạ thủ chủ nhà Brazil bằng phát súng quyết định mang về điểm 10,7 ở loạt shoot-off, những tinh túy suốt nhiều năm thầy trò đồng tâm hiệp lực đã phát tiết.

Chuyên gia Park Chung-gun là "của hiếm" của thể thao Việt Nam. Ông không chỉ đóng góp to lớn, huấn luyện nhiều lứa xạ thủ tài năng nối tiếp nhau như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Phạm Quang Huy, Trịnh Thu Vinh... mà còn rất yêu Việt Nam.

"Đây là quê hương thứ hai của tôi", ông Park chia sẻ với Báo Thanh Niên, sau khi gọi đồ uống bằng tiếng Việt rất sõi. "Tôi có hai tổ quốc trong trái tim", ông chỉ tay vào ngực áo, giống như cách đặt tay lên ngực, hát quốc ca Việt Nam ở Hàng Châu, Trung Quốc hồi năm 2023, khi học trò Phạm Quang Huy đứng trên bục nhận HCV.

Từ chuyện thầy Hàn Quốc của Hoàng Xuân Vinh: Bao giờ mới hết 'bạc' với nhân tài?- Ảnh 2.

Phạm Quang Huy trưởng thành nhờ công dìu dắt của ông Park Chung-gun và Hoàng Xuân Vinh

ẢNH: BÙI LƯỢNG

Chưa cần ông Park Chung-gun tự kể về mình, người ngoài cũng thấy rất rõ: để mang về HCV Olympic và ASIAD cho đội tuyển còn thiếu thốn đủ đường như bắn súng Việt Nam là vô cùng khó khăn.

Những chuyến tập huấn ở Hàn Quốc, những bài tập rèn tâm lý, kỹ thuật và sức bền giúp Thu Vinh, Quang Huy tiến bộ vượt bậc để vô địch châu Á... đều mang đậm dấu ấn ông Park. Nếu các chuyên gia nội huấn luyện bằng kinh nghiệm, ông Park có khả năng phân tích, đọc số liệu và hoạch định tầm nhìn.

Một ví dụ đơn giản: trước ASIAD 19, Quang Huy từng rớt khỏi danh sách tập huấn Hàn Quốc. Ông Park là người đấu tranh đưa Huy trở lại. Nếu không có con mắt tinh tường của ông Park, liệu bắn súng Việt Nam có giải cơn khát vàng?

Để rồi, ông Park Chung-gun nhận lại gì sau từng ấy năm lầm lũi cống hiến? Bị lãng quên ở lễ vinh danh sau ASIAD 19, và sau khi hợp đồng với đội bắn súng đáo hạn, không một ai trao đổi với chuyên gia Park Chung-gun. Một lời động viên, cảm ơn hay tạm biệt cũng không. Ông lặng lẽ về nước không kèn không trống. "Có những thứ kỳ lạ và dối trá mà tôi không thể giãi bày", chuyên gia người Hàn Quốc chia sẻ với Báo Thanh Niên.

Chuyên gia Park Chung-gun và Trịnh Xuân Vinh - VĐV số 1 của Việt Nam ở Olympic 2024

Không có thầy giỏi, đừng mong có trò hay

ẢNH: FBNV

Với truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam, đó không phải, và không bao giờ là cách ngành thể thao nên đối xử với người thầy đã mang lại vinh quang cho Tổ quốc.

Khó mong có người giỏi

Tại hội nghị phát triển thể thao Việt Nam cuối năm 2023, Cục TDTT chỉ ra vấn đề: khó thuê chuyên gia giỏi cho các bộ môn bởi vấn đề tiền bạc và cơ chế. Đúng là tiền lương chi cho thầy ngoại luôn hạn chế, nhưng vấn đề không chỉ nằm ở tiền.

Giành nhiều thành tích, song ông Park Chung-gun chỉ nhận mức lương thấp hơn nhiều so với các chuyên gia khác trong khu vực. Một chuyên gia ngoại khác đang huấn luyện một đội tuyển thể thao Việt Nam nói rằng ông có thể nhận lương gần gấp đôi nếu làm việc ở Ấn Độ.

Có những chuyên gia vẫn chấp nhận mức lương thấp để gắn bó với thể thao Việt Nam, vì tình nghĩa với VĐV và đất nước ta. Nhưng họ cần được đối xử theo cách tử tế và đàng hoàng.

Thuê chuyên gia giỏi đã khó. Có một chuyên gia tâm huyết như ông Park Chung-gun, mà ngành thể thao còn bạc đãi như vậy, liệu trong tương lai còn ai muốn đến Việt Nam làm việc? Hay VĐV có tâm tư không, khi nhìn một biểu tượng thể thao phải ra đi theo cách đó?

Vậy nên, vấn đề của thể thao Việt Nam không chỉ là tiền. Mà còn là cách quản lý và hành xử với nhân tài. Người giỏi đã ít, đừng khiến họ phải bận lòng như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.