Từ 'cuộc chiến' trên mạng xã hội đến mâu thuẫn ngoài đời thực

29/12/2020 05:34 GMT+7

Mỗi hành vi của con người đều được điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Vì vậy, việc tự ý giải quyết mâu thuẫn có thể khiến người dân vi phạm pháp luật.

Câu chuyện một nhóm người kéo nhau đi “hỏi tội” một huấn luyện viên thể hình cũng là chủ phòng gym tại TP.HCM - bởi người này có những phát ngôn không đúng về một nghệ sĩ vừa qua đời - đã thu hút sự chú ý quan tâm đặc biệt của dư luận.

Cơ quan chức năng phải “chứng kiến” giải quyết mâu thuẫn

Theo đó, ngày 13.12, D.N - gymer tại TP.HCM đã có những phát ngôn trên mạng xã hội (MXH) khi nói về gia đình một nghệ sĩ vừa mất. Vụ việc này khiến nhiều người bức xúc. Sáng 14.12, một số người đã kéo đến phòng gym của D.N trên đường số 6, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM để “nói chuyện”.
Biết có cuộc “nói chuyện” trên, rất đông người dân hiếu kỳ đến theo dõi khiến giao thông ở đây bị ùn tắc. Khi nắm thông tin, lực lượng chức năng P.Bình Trị Đông B và Q.Bình Tân đã có mặt đảm bảo an ninh trật tự, điều tiết giao thông cũng như nhắc nhở không tập trung đông người.
Sau đó, gymer D.N đã đăng clip gửi lời xin lỗi đến vợ và người thân của cố nghệ sĩ. “Tôi biết mình sai và chỉ muốn khép lại mâu thuẫn, khép lại mọi chuyện xảy ra vừa qua”, ông D. nói. Tuy nhiên những ngày sau đó, phòng gym này liên tục bị người lạ quấy nhiễu như: ném mắm tôm, ném đá, gọi điện để quấy rối... Nạn nhân phải trình báo công an để có can thiệp, xử lý.
Đây không phải vụ việc duy nhất gây ồn ào và thu hút cộng đồng mạng lẫn đám đông hiếu kỳ. Vừa qua, tại tỉnh Bình Dương xôn xao clip ghi cảnh nhiều “anh em xã hội” tìm đến nhà một thanh niên xăm trổ và hành hung người này. Lý do, trước đó chiều 7.12, một đoạn clip dài gần 3 phút được lan truyền trên MXH khiến nhiều người phẫn nộ với cảnh một nam thanh niên liên tiếp đạp, đá, dùng gậy ba khúc đánh vào mặt một nữ sinh sau khi va chạm giao thông. Bức xúc, nhóm “anh em xã hội” này truy tìm kẻ đánh nữ sinh, đến nhà bắt giữ rồi hành hung, và cho đây là cách để “dạy thanh niên này một bài học”.

Hiệu ứng “vô thức đám đông”

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, nhà nghiên cứu tâm lý học Đào Lê Tâm An (Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý JobWay) cho biết khi bàn đến tâm lý đám đông, có một thuật ngữ rất phổ biến là “vô thức đám đông”. Minh chứng dễ thấy nhất chính là những đám đông sau khi tụ tập vui chơi, diễu hành vui vẻ... bỗng trở nên cuồng nộ, bắt đầu đập phá, cướp bóc, gây ra những tội ác nhưng không vì một lý do cụ thể nào.
Từ 'cuộc chiến' trên mạng xã hội đến mâu thuẫn ngoài đời thực1
Ông Tâm An nêu dẫn chứng, các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng một cá nhân như được “tiếp thêm sức mạnh” nhờ tính “ẩn danh” của đám đông. Khi hòa mình vào đám đông, mỗi cá nhân không còn nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình, do đó hành động sẽ có phần vô ý thức và nguy hiểm hơn. Từ khi MXH ra đời, tính “vô thức đám đông” càng ngày càng dễ thấy. MXH là lớp bọc hoàn hảo để mỗi người có thể tùy ý chỉ trích, lên án, chửi mắng... một người nào đó. “Điển hình như những vụ việc các nghệ sĩ bị lập hội anti-fan với con số thành viên từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn người. Chính vì đặc điểm này, những thành phần xấu dễ dàng hô hào, kêu gọi và khiến cho người dùng MXH trở thành những “công cụ” phục vụ cho mục đích của họ”, ông Tâm An nhận định.
“Mỗi cá nhân đều có quyền con người và được pháp luật bảo vệ toàn vẹn về danh dự lẫn sức khỏe. Do đó, những thông tin chỉ trích, tấn công đến cá nhân chắc chắn là hành vi trái pháp luật. Đồng thời, những thông tin cực đoan còn là con dao hai lưỡi, dễ làm chúng ta đưa ra những phán đoán vô lý, một chiều, gây ra những hậu quả khó lường”, nhà nghiên cứu tâm lý Tâm An nhận định.

“Đám đông” gây hậu quả đều bị xử lý

Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), nếu có việc kích động để tụ tập đông người, gây ùn tắc giao thông trong thời gian dài, nghiêm trọng thì người kích động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng; chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng theo Nghị định 167/2013. “Trường hợp người dân dù không bị lôi kéo, kích động, nhưng vì sự hiếu kỳ, tụ tập xem và đã được lực lượng chức năng có mặt để giải tỏa, nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông thì những người ở lại có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 - 1 triệu đồng về hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng”, LS Bùi Quốc Tuấn nêu.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM, cũng đánh giá pháp luật được ban hành để điều chỉnh hành vi của con người. Vì vậy, mỗi cá nhân vi phạm đều được xử lý theo luật hành chính, dân sự hoặc hình sự. Chẳng hạn, trường hợp cho rằng gymer D.N livestream có lời lẽ xúc phạm cố nghệ sĩ, theo ông Cảnh, người nhà, người thân của cố nghệ sĩ có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý gymer này về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
“Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ đã quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH. Vì vậy, nếu người dùng MXH cung cấp, chia sẻ những thông tin sai sự thật; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân vẫn bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Vì vậy, không có lý do gì để các “nghệ sĩ” tự kêu gọi nhau đến “nói chuyện” với gymer D.N, mà không đề nghị cơ quan chức năng xử lý người này. Sau đó tạo ra một khung cảnh hỗn loạn, và cơ quan chức năng phải “ra quân” xử lý an ninh trật tự tại khu vực đó”, ông Nguyễn Minh Cảnh nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo ông Cảnh, các hiệu ứng đám đông vô thức nếu gây ra hậu quả đều phải chịu trách nhiệm. “Nếu gây rối trật tự công cộng thì bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy hậu quả. Hoặc vì bức xúc nào đó mà bắt giữ người, đánh gây thương tích thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi bắt giữ người trái pháp luật hoặc cố ý gây thương tích. Nếu tạt sơn, mắm tôm, gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; còn thiệt hại dưới 2 triệu đồng sẽ bị xử lý hành chính từ 2 - 5 triệu đồng. Nếu hành vi này chỉ gây hoen bẩn nhà ở, trụ sở làm việc thì vẫn bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Người chết, kẻ bị thương vì mâu thuẫn trên Facebook
Cuối năm 2019, vì đôi co qua lại trên Facebook, hai nữ sinh lớp 11 là em A.M, Trường THPT Marie Curie và em H.V, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM), hẹn gặp nhau nói chuyện tại một ngã tư ngay trung tâm TP. Cuộc nói chuyện kết thúc bằng cuộc ẩu đả và cả 2 nữ sinh đều phải nhập viện. Tháng 6.2020, Lương Trường Sơn (Hà Đông, Hà Nội) có mâu thuẫn với một nhóm thanh niên trên Facebook. Hai bên thách thức rồi hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn. Sơn dùng dao tấn công nhóm thanh niên kia khiến 1 người chết, 2 người bị thương.
KOL dễ kêu gọi tính “vô thức đám đông”
Dưới góc độ tâm lý, nhà nghiên cứu tâm lý Đào Lê Tâm An cho biết có 3 điều mấu chốt mà những “KOL” (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng - PV) dễ kêu gọi tính “vô thức đám đông”, bao gồm: Tính “hào quang”, nghĩa là từng lời nói, hành động của các KOL cũng có thể trở thành chuẩn mực, mục đích để người hâm mộ bắt chước và hành động; Tính “chuyên sâu thấp” là khi sự “vô thức đám đông” thường được tạo ra từ những người không có chuyên môn sâu về pháp luật; Tính “cảm xúc” và “chính nghĩa” là một lời kêu gọi mang yếu tố cảm xúc là làm cho người tham gia cảm thấy mình đang làm một việc chính nghĩa, đang “thay trời hành đạo”. Đặc biệt, cảm xúc của đám đông cũng rất dễ lây lan và chi phối, chỉ cần một vài thủ thuật đơn giản, ví dụ như có người hưởng ứng đầu tiên, thì những người tiếp theo có khả năng hưởng ứng rất cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.