Từ đám cưới nghĩ về du lịch

11/03/2019 04:37 GMT+7

Một đám cưới với khách khứa là những người giàu có, những nghệ sĩ, đầu bếp... nổi tiếng ở nhiều nước; là truyền thông đưa tin liên tục; là khu du lịch tuyệt đẹp của VN đã nhiều lần được thế giới vinh danh...

Một đám cưới với hàng ngàn người tham dự trong đó rất nhiều người siêu giàu, người nổi tiếng ở Ấn Độ và nhiều quốc gia có thể "truyền miệng" đến hàng triệu người, lan tỏa thông tin đến hàng tỉ người nhờ truyền thông, mạng xã hội. Không có gì quảng bá hình ảnh, đất nước, con người VN thiết thực và hiệu quả hơn những sự kiện thế này.
Để đưa được đám cưới của nữ tỉ phú Ấn Độ về VN (diễn ra tại Phú Quốc), Đại sứ VN tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tiết lộ "mất năm tháng, hai bữa ăn, ba cuộc gặp, năm cuộc họp của ba nhóm chuyên trách để tháo gỡ 22 vấn đề...".
Tất nhiên đó là "túm lại", còn để đáp ứng tất cả các vấn đề đó chắc chắn rất nhiều công sức, đặc biệt là tâm huyết của đại sứ Phạm Sanh Châu và nhiều người khác nữa.
Kết quả như nói trên, một đám cưới với khách khứa là những người giàu có, những nghệ sĩ, đầu bếp... nổi tiếng ở nhiều nước; là truyền thông đưa tin liên tục; là khu du lịch tuyệt đẹp của VN đã nhiều lần được thế giới vinh danh nay đã được các khách VIP đến tận nơi chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Cũng như sự kiện tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa rồi, ẩm thực, lòng hiếu khách, sự an toàn - an ninh của VN được cả thế giới biết đến và còn dư âm đến tận lúc này.
Còn nhớ cuối năm 2013, hơn 120 khách là các nhà đầu tư, kinh doanh, tài chính... quốc tế đã đến Đà Nẵng bằng 19 máy bay riêng đắt tiền và một chuyến bay charter từ Singapore sang tham gia hội nghị quốc tế mang tên Creative connection (Kết nối sáng tạo) do Ngân hàng Standard Chartered (Anh) tổ chức.
Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa VN với nước sở tại cũng như việc quảng bá hình ảnh để mở rộng du lịch của VN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài.
Câu chuyện của ngài đại sứ VN tại Ấn Độ đã cụ thể hóa nhiệm vụ của mình bằng một việc làm hết sức thiết thực, hiệu quả cho ngành du lịch trong nước.
Nhưng thực tế vẫn còn đó nhiều thứ nguyên tắc máy móc, chẳng hạn chuyện không thể linh hoạt cho phép một yêu cầu bắn pháo hoa trong lễ cưới của nữ tỉ phú Ấn Độ? Trong khi suy cho cùng: chi phí thì người ta chịu, thưởng lãm thì du khách được bữa no mắt miễn phí.
Đặt trường hợp nếu vì không được đáp ứng yêu cầu đó, đám cưới được dời sang nước khác, công sức bao nhiêu người lại vứt xuống sông xuống biển? Cơ hội quảng bá du lịch đến giới doanh nhân, giới siêu giàu nói riêng và du khách nói chung cũng bị vuột mất. Chưa kể hà cớ gì chúng ta cứ "hé hé" chuyện nới visa, nới thời hạn visa cho du khách trong khi chính sách visa của hầu hết các nước đều thông thoáng?
Khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là lĩnh vực có khả năng tạo đột phá nhưng có vẻ như chính nhà nước lại là người đi chậm hơn sự vào cuộc của các bên liên quan. Có lẽ ngành công nghiệp không khói cần nhất lúc này chính là sự đột phá về cơ chế, chính sách để du lịch có thể thực sự bứt phá?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.