Từ đam mê game thủ tới ông chủ đội tuyển eSport của 9x Hà Nội

31/12/2021 11:57 GMT+7

“Trót yêu” game từ nhỏ, Hồng Quân kiên trì theo đuổi đam mê của mình nhưng vẫn chưa thỏa chí dù giờ đây đã là chủ một đội tuyển eSport lẫn phòng máy lớn tại Hà Nội.

Hồng Quân (Quân Joo) bắt đầu hành trình gaming của mình với thế máy điện tử tay cầm Nintendo, trải qua đủ các hệ máy từ PC, PS1, PS2…và cả PS5 hiện tại. Giờ đây khi đã là bố, anh vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê game chuyên nghiệp, đồng thời truyền cảm hứng ấy cho 2 cậu con trai của mình.

Quân Joo đam mê game và xem đó là cái nghiệp để theo đuổi

Từ thời đi học phổ thông tới khi đã là sinh viên, chàng trai sinh năm 1994 “nhẵn mặt” không biết bao nhiêu quán game, internet ở Hà Nội nhưng nhận ra cơ sở vật chất tại các địa điểm chơi đều còn hạn chế. Khi bắt đầu tiếp xúc với Liên Minh Huyền Thoại và xác định hướng thi đấu chuyên nghiệp, anh có dịp “sát cánh” cùng “Thần rừng LMHT Việt Nam” SofM khi còn chưa nổi tiếng trong các giải bán chuyên liên phòng net. Chính quãng thời gian này giúp Quân Joo nhận ra trải nghiệm game không thể đem lại sự hài lòng nếu chất lượng quán game còn thấp.

Ý định tự mở một phòng game cao cấp đến với Quân từ khi còn là sinh viên, nhưng vấp phải sự phản đối từ phía gia đình. Sau khi vượt qua được 2 năm thử thách do gia đình đặt ra, cùng với việc phát triển thương hiệu kinh doanh bàn ghế gaming Hồng Quân, năm 2016 Quân Joo hiện thực hóa giấc mơ với gaming center đầu tiên tên GameHome tại Hà Đông (Hà Nội). Đây cũng là một trong những phòng máy có cấu hình “khủng” tại thời điểm đó.

Mất 2 năm Quân mới vượt qua thử thách từ gia đình để mở gaming center như mong ước

Các năm tiếp theo, Quân tiếp tục khai trương những cơ sở mới. Nhưng trở thành chủ của phòng máy thôi chưa đủ, anh tiếp tục đi xa hơn với quyết định thành lập đội tuyển eSport riêng mang tên chính gaming center của mình. Hiện tại, GameHome đang có 2 đội tuyển eSports thi đấu bộ môn PUBG và LMHT: Tốc Chiến.

Đội PUBG GameHome là một trong những cái tên có thành tích tốt tại Việt Nam, không chỉ thi đấu trong nước mà còn thi đấu tại các giải eSport quốc tế và đạt nhiều cột mốc ấn tượng. Năm 2019, PUBG GameHome đứng thứ 3 tại giải Vô địch PUBG Đông Nam Á, không ít lần xếp thứ hạng cao nhất ở một số giải nhỏ hơn. Mới đây nhất, đội tuyển tham dự PUBG Global Championship 2021 diễn ra tại Hàn Quốc. Dù kết thúc với vị trí không cao, đội cũng “ẵm” giải thưởng gần 23.000 USD. Theo thống kê, tổng giá trị giải thưởng mà PUBG GameHome có được qua các giải đấu từ khi thành lập tới nay đã hơn 68.000 USD.

Đội LMHT: Tốc Chiến không “hoành tráng” vậy dù cũng lọt Top 10 đội tham gia giải đấu quy mô nhất Đông Nam Á hiện nay là Icon Series SEA, một phần do mới thành lập, phần khác vì “cảm thấy chưa hợp”, Quân tiết lộ. Bắt đầu sự nghiệp game thủ bán chuyên với LMHT nhưng khi sang với Tốc Chiến (LMHT trên di động), Quân vẫn chưa tìm được hướng đi tới thành công như đang làm với đội PUBG hiện nay. Trong tương lai gần, GameHome có thể chỉ còn lại một đội tuyển eSport.

Quân Joo (thứ 3 từ trái sang) trong lần tham dự PGC 2021 cùng đội tuyển PUBG GameHome hồi giữa tháng 12

Dù vậy, Quân Joo vẫn định hướng tập trung vào phát triển eSport vì nhận thấy nền thể thao điện tử tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhất từng có. “Tiềm năng của các tuyển thủ Việt Nam có, trong khi mức đầu tư vào eSport vẫn thấp so với các nước khác trong khu vực nên lĩnh vực này còn nhiều tài năng chưa được khai phá”, Quân Joo đánh giá.

Lý do khiến eSport vẫn chưa được đầu tư đúng mức, theo Quân, là sự công nhận đến từ mọi người. Hiện nay vẫn còn nhiều định kiến đối với các trò chơi điện tử nói chung và eSport nói riêng, các sân chơi lớn cũng còn thiếu và những điều luật mang tính định hình, cấu thành “khung xương” cho nền thể thao điện tử vẫn chưa hoàn thiện nên việc quản lý còn nhiều khó khăn.

“Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, tài trợ cũng chưa để ý nhiều tới lĩnh vực này nên thu nhập cho tuyển thủ eSport vẫn còn thấp so với khu vực”, Quân nói.

Thu nhập có ảnh hưởng lớn tới quyết định theo đuổi con đường thi đấu chuyên nghiệp của các tuyển thủ eSport bởi “chơi game để kiếm tiền” chưa phải là nghề phổ biến tại Việt Nam, trong khi tuổi nghề của một tuyển thủ không dài. Nếu không tích lũy thu nhập khi còn đang thi đấu chuyên nghiệp thì có thể ảnh hưởng tới cuộc sống giai đoạn sau khi giải nghệ, bởi đa phần họ phải hy sinh việc học hành ở độ tuổi đôi mươi cho nghiệp tuyển thủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.