Từ điển 'chất lượng rác'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/07/2020 06:23 GMT+7

Những cuốn từ điển sai ngô nghê, đạo nhái ... liên tục bị phát hiện. Trong khi, đây lại là sách công cụ - kim chỉ nam cho việc học tập nghiên cứu.

Thị trường loạn

“Tù trưởng: Người đứng đầu trông coi phạm nhân”. “Quản giáo: Người coi một giáo đường hay một thư viện”. “Khoáng vật: tên gọi chung các vật ở dưới đất hay trên mặt đất”. “Khai quật: đào mồ lên”… Đó là những định nghĩa trong cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, tác giả Vũ Chất. Cuốn từ điển này có 3 phiên bản: do NXB Hồng Đức, NXB Thanh Niên và NXB Trẻ phát hành. Trong đó, phiên bản NXB Trẻ ấn hành được nộp lưu chiểu vào 2001. Từ điển Vũ Chất cũng trở thành một ví von về những định nghĩa sai lệch. Mặc dù vậy, thông tin Vũ Chất là ai lại không hề được hé lộ.

Không phải thời gian gần đây, mà đã chừng 15 - 20 năm nay, người ta đua nhau biên soạn và xuất bản đủ loại từ điển tiếng Việt, nhiều nhất là từ điển khổ nhỏ dành cho học sinh. Chất lượng các loại từ điển này phần nhiều là rất kém, xào xáo, lắp ghép vô tội vạ, sai sót kinh hoàng

Nhà nghiên cứu HOÀNG TUẤN CÔNG

NXB Trẻ đã nhận lỗi cho sai sót này vào thời điểm 2014, khi việc truy trách nhiệm được đặt ra. Đồng thời, đơn vị này cũng thực hiện việc hoàn trả chi phí bưu điện và xin tặng lại 1 cuốn sách (bạn đọc có thể lựa chọn bất kỳ cuốn sách nào của NXB Trẻ thời điểm đó). Trường hợp bạn đọc không muốn nhận sách, họ có thể nhận lại tiền mua sách có tính trượt giá qua 13 năm.
Cùng năm 2014, một cuốn từ điển khác cũng được báo chí điểm danh - Từ điển tiếng Việt, tác giả Trần Mạnh Tường, NXB Văn hóa - Thông tin. Trong đó: từ “nữ học viên” được giải thích là “học viên đàn bà”; “nữ chúa là đàn bà làm chúa”; “nữ tính là tính đàn bà”…
Năm 2017 đánh dấu bằng việc nhìn lại nhiều cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân. Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công ra cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - phê bình và khảo cứu, dày gần 600 trang, do NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book ấn hành. Sách chia làm nhiều phần, lần lượt phân tích những sai sót trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân. Đáng chú ý, ông Công cũng cung cấp thông tin về việc những cuốn sách này vẫn được liên tục tái bản.

Trả lại sách và đền tiền

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT-TT), cho biết ông không rõ các NXB có trả lại tiền cho người mua muốn trả lại sách hay không, vì chuyện thu hồi và chuyện trả lại tiền là 2 việc khác nhau.
Về điều này, liên quan đến những từ điển bị đình chỉ phát hành, thu hồi của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Phạm Thị Trâm cho biết: “Đó là sách liên kết nên độc giả gửi thẳng về địa chỉ công ty, họ sẽ trả lại tiền”. Bà Trâm cũng thông tin Nhà sách Minh Thắng (808 Đường Láng) sẵn sàng nhận lại Từ điển chính tả tiếng Việt (GS-TS Nguyễn Văn Khang) và hoàn tiền ngay cả khi không có hóa đơn.
Tháng 2.2020, cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên bị phát hiện đã đạo rất nhiều nghiên cứu từng được công bố của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công. NXB Đại học Quốc gia sau đó đã đình chỉ phát hành cuốn sách này. Tuy nhiên, danh tính thật của nhóm tác giả trên cũng không được công bố.
Tháng 6 vừa qua, cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt do PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành lại bị phát hiện… sai chính tả. NXB này cũng đã đình chỉ phát hành, thu hồi sách.
Đến tháng 7, cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt do GS-TS Nguyễn Văn Khang biên soạn lại có lỗi. Đại diện NXB đã gặp tác giả, trao đổi với đơn vị liên kết và quyết định dừng phát hành để tiếp tục có các bước giải quyết tiếp theo.
Từ điển “chất lượng rác”

Một số từ điển sai và đạo nhái bị phát hiện trong thời gian vừa qua

Ảnh: Hiền Đỗ

Quá dễ dãi

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công chia sẻ: “Không phải thời gian gần đây, mà đã chừng 15 - 20 năm nay, người ta đua nhau biên soạn và xuất bản đủ loại từ điển tiếng Việt, nhiều nhất là từ điển khổ nhỏ dành cho học sinh. Chất lượng các loại từ điển này phần nhiều là rất kém, xào xáo, lắp ghép vô tội vạ, sai sót kinh hoàng”.

Bí mật... thông tin tác giả

Một điểm “nghẽn” khiến công chúng thắc mắc là không biết danh tính thật của các tác giả từ điển sai, đạo nhái. Về điều này, ông Nguyễn Nguyên cho biết theo bộ luật Dân sự, tác giả được đứng tên của mình hoặc đứng bút danh. Vì thế, tùy theo hợp đồng ký kết, nếu NXB công bố thông tin về tên thật của tác giả có thể vi phạm quyền riêng tư. Cũng theo ông Nguyên, khi sách sai thì NXB hoàn toàn chịu trách nhiệm, trừ trường hợp liên quan đến điều 10 luật Xuất bản quy định những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản.
Bên cạnh đó, một luật sư cho biết trường hợp ông Hoàng Tuấn Công (người bị đạo từ điển) nếu yêu cầu bằng con đường hành chính hoặc khởi kiện ra tòa, cơ quan chức năng buộc phải công bố danh tính thật của tác giả từ điển sai, đạo nhái. 
Ông cũng tiết lộ, nếu chồng những cuốn từ điển mà ông phải lên tiếng bằng bài, bằng sách để chỉ ra sai sót thì sẽ cao gần mét. “Ấy là chưa kể trong tay tôi vẫn còn nhiều cuốn từ điển sai sót, nhưng chưa thu xếp được thời gian để viết. Có nghĩa là thực trạng này đáng báo động, và đã báo động từ lâu rồi”, ông Công nói.
Ông Công đánh giá những cuốn từ điển sai trên cả phần biên soạn lẫn biên tập đều ẩu. Chẳng hạn, Từ điển chính tả tiếng Việt (GS-TS Nguyễn Văn Khang) từng được NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 2003 dưới cái tên Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông. Trong lần xuất bản đó, tác giả cho biết đã được sự giúp đỡ biên tập của Trưởng phòng Biên tập ngôn ngữ Nguyễn Thị Phương. Tuy nhiên, từ điển đó vẫn có rất nhiều lỗi. Khi được in lại và đổi tên năm 2018, qua khâu biên tập của Công ty Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, sai sót của 15 năm trước vẫn còn nguyên.
Ông cũng cho biết: “Nhiều cuốn từ điển dành cho học sinh, nhà sách đứng ra xào xáo, tự biên soạn, rồi tìm một vài cái tên tác giả nào đó đặt ngoài bìa, đi xin giấy phép xuất bản, thế là thành từ điển”.
Ông Công còn nhấn mạnh việc những cuốn từ điển của các tác giả có học hàm, học vị nhưng sai. Theo ông Công: “Từ điển kém chất lượng, mà lại gắn với NXB có tên tuổi và người biên soạn có học hàm học vị, dẫn đến gây ngộ nhận cho người mua, thì xét cho cùng nó cũng giống như một thứ hàng giả mà thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.