Tự do tôn giáo ở Việt Nam - sự thật không thể phủ nhận

(Học viện Chính trị khu vực II)
15/06/2023 06:24 GMT+7

Ngày 9.3.2023, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam với 132 trang gồm 3 chương.

Sách trắng ra đời như một lời tuyên bố với truyền thông trong và ngoài nước về bức tranh tôn giáo đa sắc màu ở Việt Nam, thể hiện thực tế về thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Để bảo đảm quyền tự do tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể chế thông qua các văn kiện Đảng, Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, sự ra đời của luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực năm 2018) đã chứng tỏ sự quan tâm và quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là minh chứng cho sự hoàn thiện và đảm bảo tương thích với luật pháp quốc tế về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam - sự thật không thể phủ nhận - Ảnh 1.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam - sự thật không thể phủ nhận - Ảnh 2.

Các cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm quyền tự do hoạt động trong môi trường ổn định, hòa hợp, bình đẳng, phù hợp pháp luật

Độc Lập - Nhật Thịnh

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, do đó luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời không phải để can thiệp sâu hơn vào công việc nội bộ của các tôn giáo hay "hạn chế về bản chất" mà để đảm bảo các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, tạo dựng môi trường ổn định, hòa hợp, bình đẳng tôn giáo. Đến nay, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trên 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện để phát triển với việc giao đất, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự ngày càng khang trang hơn; số lượng cơ sở đào tạo chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo tăng lên; trình độ thế học và thần học của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo ngày càng nâng cao; hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tổ chức tôn giáo được thực hiện thuận lợi; hoạt động xuất bản kinh sách và các ấn phẩm tôn giáo khác ngày một tăng; hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo được tăng cường và đẩy mạnh; những ngày lễ lớn của các tôn giáo được tổ chức trang trọng. Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được tạo điều kiện. Trước khi có luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có tổng số 2.691 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, sau khi luật có hiệu lực có thêm 1.112 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Không những thế, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm sự đa dạng về nhóm/tộc người - tôn giáo như đảm bảo sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù...

Tôn giáo đồng hành, gắn bó cùng dân tộc

Đồng hành, gắn bó cùng dân tộc là truyền thống của các tôn giáo ở Việt Nam. Truyền thống này tiếp tục được phát huy theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, khẳng định đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Và thực tế hiện nay, trong môi trường pháp lý bình đẳng, đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giá trị đạo đức của các tôn giáo đã góp phần giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội và những công trình kiến trúc tôn giáo, di sản lịch sử - văn hóa tôn giáo đóng góp quan trọng vào hoạt động du lịch tâm linh, phát triển kinh tế.

Với trách nhiệm là công dân - tín đồ, đồng bào tôn giáo đã tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tại Quốc hội khóa XV, có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội, 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng bào tôn giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước. Với tinh thần vì cộng đồng, các tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo. Cả nước có khoảng 300 trường và 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề, trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh, 113 cơ sở trợ giúp xã hội do các tổ chức tôn giáo thành lập. Đặc biệt một số tổ chức tôn giáo hiện nay đã mở những trung tâm cai nghiện. Đến nay có khoảng 55 trung tâm cai nghiện của Tin Lành, một trung tâm cai nghiện của Công giáo và rất nhiều ngôi chùa Phật giáo đang hỗ trợ chăm sóc người nghiện. Hiệu quả của các trung tâm cai nghiện này đã được Nhà nước ghi nhận, đóng góp quan trọng vào ổn định trật tự xã hội. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy rõ hơn đóng góp to lớn về vật chất, tài chính, sức người, trợ lực tinh thần của các tổ chức tôn giáo trong và sau đại dịch. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp với các tổ chức tôn giáo được xây dựng tốt đẹp, gắn bó khăng khít được thể hiện trong nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, thăm hỏi đặc biệt là hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tổ chức hằng năm.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc

Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào "Danh sách theo dõi đặc biệt" về tự do tôn giáo. Gần đây nhất, ngày 2.12.2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố quyết định đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo. Cáo buộc này dựa trên những thông tin không chính xác, đánh giá thiếu khách quan về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Việc đưa Việt Nam vào "Danh sách theo dõi đặc biệt" là bước tiến để Mỹ đưa Việt Nam đến gần hơn "Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt" (CPC) và sẽ tiến hành các biện pháp ngoại giao trừng phạt hay cấm vận.

Cần khẳng định ngay rằng chính sách của Mỹ chính là sử dụng những vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo trong chiến lược "diễn biến hòa bình" nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta; làm cộng đồng thế giới hiểu sai về chính sách, tình hình tự do tôn giáo ở nước ta… Cũng cần phải khẳng định thêm rằng luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia khác đều quy định rất rõ quyền tự do tôn giáo không thể là tự do tuyệt đối, tự đứng ngoài pháp luật. Và, luật pháp Việt Nam cũng không ngoại lệ, khẳng định bảo đảm quyền tự do tôn giáo nhưng không được nhân danh tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động bạo lực, gây rối, biểu tình, khủng bố; lợi dụng để xâm phạm đến an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc, phá hoại đại đoàn kết dân tộc… Những hành vi này đều bị xét xử theo pháp luật.

Có thể khẳng định rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đã được đảm bảo, đó là điều không thể phủ định và được chứng minh qua bức tranh về tôn giáo với những nét ổn định, phát triển, đa dạng. Những thành tựu đó được minh chứng thêm thông qua các tổ chức nghiên cứu quốc tế khi xếp Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về mức độ đa dạng hóa tôn giáo. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã hai lần trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ đầu vào 2014 - 2016 và nhiệm kỳ hiện tại 2023 - 2025 là bằng chứng thuyết phục nhất để bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch vu khống tình hình nhân quyền liên quan đến tự do tôn giáo ở nước ta. Thêm nữa, việc công bố sách trắng về Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam một cách đầy đủ, khách quan và công khai là hình thức truyền thông chính thống về vấn đề tự do tôn giáo ở nước ta tới cộng đồng quốc tế. Một lần nữa khẳng định những thành tựu đạt được trong thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ định; đó là kết quả quá trình nhất quán từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và đồng thời là sự đồng thuận, đồng lòng của đồng bào tôn giáo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.