Đó là trường hợp của ông Trần Văn Phước, ngụ tại ấp Hội Thạnh, xã Trung An, H.Củ Chi, TP.HCM. Ông Phước vốn là cán bộ về hưu, và là đảng viên 40 năm tuổi Đảng.
Sự việc liên quan đến ông tóm tắt như sau: Ngày 26.5.2018, ông T.T.K là chủ nhà nghỉ A Khoa tọa lạc ở một khu đất liền kề với đất nhà ông Phước, muốn trổ một cửa ngách phía sau bằng cách thuê thợ đập bức tường thông ra đường. Cho rằng không hề trao đổi gì với mình về bức tường mình xây dựng, nên ông Phước ra ngăn cản, rồi xảy ra cãi vã. Ông bị một thợ hồ là Trần Văn Tr. chọi đá vào đầu, gây thương tích 5%. Ông Phước làm đơn đến công an huyện, sau đó TAND H.Củ Chi mở phiên xét xử. Bản án sơ thẩm số 47/2019 ngày 2.4.2019 tuyên phạt Tr. tội cố ý gây thương tích với hình phạt 1 năm tù. Sau đó, cả ông Phước và Tr. đều kháng cáo, riêng ông Phước trong nội dung kháng cáo của mình, đề nghị tòa xử T.T.K tội chủ mưu. Ngày 1.7.2019, TAND TP.HCM đã mở phiên xử phúc thẩm.
Tại tòa, ông Phước cho rằng T.T.K mới là chủ mưu, và đã xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho Trần Văn Tr., bởi nghĩ rằng Tr. mới phạm tội lần đầu, lại có con nhỏ (đứa nhỏ nhất lúc này mới 6 tuổi). Trong phần nhận định, bản án phúc thẩm ở các mục tình tiết giảm nhẹ cho Tr., cũng nêu rõ: “được người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt”, vì thế tòa phúc thẩm chỉ xử Tr. 1 năm tù cho hưởng án treo, 2 năm thử thách.
Thế nhưng sau đó, theo ông Phước trình bày trong đơn: “Chủ nhà nghỉ A Khoa quay ngược lại tố cáo tôi với công an, cho rằng tôi là người phá hoại tài sản và tố cáo tôi là người phạm tội. Điều vô cùng khó hiểu là công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 044404/QĐ XPVPHC do Phó trưởng công an H.Củ Chi Nguyễn Văn Bắc ký, xử phạt tôi với nội dung “cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” (?!).
Bức xúc, ông Phước làm đơn khiếu nại, nhưng đều bị Công an H.Củ Chi bác bỏ. Tiếp đó, để đi tìm công lý cho mình, ông Phước gửi đơn đến TAND H.Củ Chi kiện văn bản Quyết định hành chính số 044404/QĐ XPVPHC của Công an H.Củ Chi và tòa đã thông báo thụ lý vụ án ngày 31.12.2019. “Từ đó tới nay, tòa đã triệu tập 2 lần, nhưng cả 2 lần Công an H.Củ Chi đều vắng mặt không có lý do. Cho đến nay, sau hơn 9 tháng, vụ kiện đã quá thời hạn từ lâu nhưng cũng không thấy tòa án có động thái gì để giải quyết. Và vụ kiện vẫn treo lơ lửng suốt nhiều tháng qua, gây oan ức cho tôi và gia đình, danh dự bị xúc phạm trước bà con địa phương và dư luận”.
Trong đơn gửi đến Báo Thanh Niên, ông Trần Văn Phước cho rằng việc Công an H.Củ Chi xử lý, giải quyết vụ việc thành ra như vậy khiến ông và gia đình rất đau lòng, lại có kẻ ở địa phương xúi giục, “thừa gió bẻ măng” tung lên mạng nói về ông bằng những lời lẽ cay độc, xúc phạm. Thậm chí trong cuộc họp ở địa phương, cũng có ý kiến vu khống ông Phước một cách trắng trợn. “Bản thân tôi là một cán bộ cống hiến suốt đời, nay về hưu lại vướng vào một chuyện vô lý. Tôi rất mệt mỏi với hành trình hơn 2 năm qua vì một việc tưởng chừng rất đơn giản. Khi tòa xử phúc thẩm người gây ra thương tích cho mình, tôi cũng nghĩ thương tình cho người phạm tội có hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên đã xin giảm mức án cho anh ta, nhưng thực tế diễn ra sau đó, với quyết định xử phạt của Công an H.Củ Chi, là rất oan trái cho cá nhân tôi và gia đình. Bản thân tôi là người bị hại mà không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”!
Theo luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước): Quy định tại điều 130 luật Tố tụng hành chính năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 2 tháng. Ngoài ra, theo điều 168 luật này, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp của người bị kiện... nếu tòa đã triệu tập hợp lệ lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì tòa án vẫn phải tiến hành xét xử vắng mặt.
|
Bình luận (0)