Từ Dụ Hoàng Thái hậu, người phụ nữ có tấm lòng hiếu đễ hiếm có

08/03/2023 18:23 GMT+7

Những câu chuyện về Từ Dụ Hoàng Thái hậu đã thuộc về lịch sử từ 150 năm trước, song đến nay chúng vẫn còn là những tấm gương ngời sáng để hậu thế soi chung, đặc biệt cho những ai đang lãnh trọng trách cầm cân nảy mực chốn công đường.

Xin bắt đầu câu chuyện về Từ Dụ Hoàng Thái hậu từ cột mốc năm 1558, khi nhiều gia đình sĩ phu đất Bắc đã đi theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở vùng đất mới. Trong số những người này có Phạm Đăng Khoa, rất giỏi chữ nghĩa, nhưng không muốn cộng tác cùng họ Trịnh.

Từ Dụ Hoàng Thái hậu, người phụ nữ có tấm lòng hiếu để hiếm có - Ảnh 1.

Một tranh chân dung phổ biến của vua Tự Đức (1829-1883)

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Ông đưa gia đình đến ở huyện Võ Xương (Quảng Trị), sau dời về huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Từ đó, dòng họ Phạm Đăng thực hiện dần cuộc “Nam tiến”. Con Đăng Khoa là Phạm Đăng Tiên làm huấn đạo huyện Tư Nghĩa, rồi dời nhà vào huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Đến đời thứ ba là Phạm Đăng Xương lại dời về huyện Tân Hòa (Gò Công, Gia Định).

Khuya sớm đích thân hầu hạ cho đến khi mẹ khỏi bệnh

Phạm Đăng Hưng thuộc đời thứ năm. Ông sinh năm 1765 trên đất Gò Công và theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh trong những năm tháng lưu lạc trước sức tiến công mạnh mẽ của quân đội Tây Sơn. Sau khi chúa Nguyễn thống nhất đất nước, lấy niên hiệu Gia Long (1802), rồi lên ngôi hoàng đế (1806), Phạm Đăng Hưng được thăng đến Lễ bộ Thượng thư, là một trong những công thần của triều đại đương thời.

Năm 1820, trước lúc thăng hà, vua Gia Long cho vời ông và Tả quân Lê Văn Duyệt đến để ủy thác trách nhiệm giúp đỡ sử quân điều hành việc nước. Năm đó, người con gái đầu lòng của Thượng thư Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Văn Thị là Phạm Thị Hằng (Từ Dụ Thái hậu sau này) mới lên 10 tuổi nhưng đã sớm biểu lộ tư chất thông minh và lòng hiếu đễ hiếm có.

Từ Dụ Hoàng Thái hậu, người phụ nữ có tấm lòng hiếu để hiếm có - Ảnh 2.

Chân dung Từ Dụ Thái hậu (1810-1902)

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Tuy là tiểu thư đài các nhưng mỗi khi mẹ lâm bệnh, bà không để cho gia nhân phục dịch mà khuya sớm đích thân hầu hạ cho đến khi mẹ khỏi bệnh.

Đức hạnh và lòng hiếu đễ của bà sớm gây được sự chú ý của Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ vua Gia Long, mẹ ruột vua Minh Mạng) nên đến năm 1823, bà được tuyên triệu vào cung để chầu hầu Hoàng trưởng tử của nhà vua là Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) (Đại Nam liệt truyện Tập III, Quyển 2, Mục 2). Trong thời gian này, mối quan hệ giữa bà và Linh Phi (con gái Quận công Nguyễn Văn Nhân, được đưa vào cung hầu Hoàng tử Miên Tông trước bà một ngày) cùng các cung nhân khác diễn ra tốt đẹp, phần lớn nhờ ở lòng nhân hậu, tính khiêm tốn của bà.

Khi Hoàng tử Miên Tông trở thành vua Thiệu Trị (1841- 1847), bà được phong làm Cung tần rồi Thành phi, Quý phi và cuối cùng ở địa vị cao nhất trong hàng vợ vua là Nhất giai phi (vào thời Nguyễn, ngoại trừ triều Gia Long và Bảo Đại, không có lệ phong vợ vua làm hoàng hậu lúc sinh thời).

Trong đời sống cung cấm, bà luôn làm tròn vai trò của một người vợ hiền. Mỗi khi nhà vua thức khuya đọc sách, bà thường ở bên cạnh, chăm sóc từng miếng ăn thức uống, lắm khi đến gà gáy sáng, bà mới chịu đi ăn. Có lần vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, cho bà theo hầu để giữ các báu vật như ngọc ấn, sắc chiếu... đến khi quay về triều, các cung nhân sửng sốt nhìn thấy bà gầy gò, tiều tụy vì quá cực nhọc trong việc chăm sóc nhà vua.

Năm 1847, vua Thiệu Trị thăng hà, truyền ngôi cho hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm với niên hiệu Tự Đức (1847 -1883). Trở thành mẹ vua trong lúc sử quân mới 18 tuổi (vua Tự Đức sinh năm 1829), trách nhiệm của bà nặng nề hơn bao giờ hết.

Từ Dụ Hoàng Thái hậu, người phụ nữ có tấm lòng hiếu để hiếm có - Ảnh 3.

Ngôi mộ của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thân phụ Từ Dụ Thái hậu tại Lăng Hoàng gia ở Gò Công

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Khi nhà vua cùng các hoàng thân và đại thần đến xin làm lễ tấn tôn Hoàng Thái hậu, bà đã dụ rằng: “Ta xem sớ văn, đã biết Hoàng đế và các quan có lòng thành rồi. Nhưng nghĩ quan tài tiên đế còn quàn chưa được trăm ngày, trong lòng đau thương luyến tiếc, không thể thôi được. Lại nghĩ: Hoàng đế tuổi còn trẻ, chưa am chính thể, thường thấy buổi sớm chăm lo, buổi tối sợ hãi, chẳng tưởng ăn ngủ, lòng ta rất là thương xót. Vả lại, Hoàng đế nhận mệnh lớn của Trời, làm quân sư cho dân, phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau sự vui của thiên hạ. Phàm những lời tiên đế đã dạy bảo, mà Hoàng đế đã vâng theo, nên ghi vào trong lòng để mưu nghĩ nối chí theo việc... Đến như việc xin suy tôn, không nên cử hành là phải...” (Đại Nam liệt truyện - NXB Thuận Hóa - Huế - 1997 - trang 28-29).

Năm 1849, vua Tự Đức cho thiết lập Gia Thọ cung, rước Từ Dụ Hoàng Thái hậu sang ở, lúc đó bà mới chịu nhận tôn hiệu Hoàng Thái hậu. Tuy Tự Đức là vị vua có học vấn và phẩm hạnh, nhưng đối với ông, bà vẫn luôn là một người mẹ rất nghiêm cẩn. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.