Lần nào về quê, tôi cũng ghé vào cái quán nhỏ của bà cụ bên gốc đa dưới chân chùa Tây Phương (H.Thạch Thất, Hà Nội), mua gói bánh chè lam, ngồi nhâm nhi với chén nước chè xanh nóng hổi.
Ấm trà nóng và chè lam hợp với tiết trời lạnh |
Kiều Duy Khánh |
Dưới gốc đa tỏa bóng là rất nhiều những gian quán bán đồ lưu niệm cho khách thập phương về vãn cảnh chùa. Nhưng dù quán to hay nhỏ thì cũng không thể thiếu được những gói bánh chè lam. Nó là đặc sản dành cho người về vãn cảnh chùa, là món quà bất ngờ dành cho người ở nhà mong ngóng.
Tôi mua một gói bánh chè lam, nhờ bà cụ cắt bánh ra đĩa. Từ chỗ cắt để lộ ra lòng bánh vàng sậm. Giữa bánh điểm những hạt lạc rang nhìn thật bắt mắt.
Tôi nhón một miếng đưa lên miệng. Bánh mềm và dẻo quánh như muốn níu hai hàm răng. Bánh có vị thơm ngậy của bột nếp, vị cay thanh của gừng, vị bùi ngậy của lạc rang, vị ngọt đậm đà của mật mía. Nhấp một ngụm chè xanh bốc khói cụ vừa rót ra, cái vị ngọt, vị thơm, vị dẻo của bánh bắt đầu quyện xoắn trong ngụm nước chè nóng. Hình như vị chát của chè xanh có khả năng nâng hương bánh lên.
Bà cụ bảo bây giờ nhiều máy móc hiện đại, nên làm ra cái bánh cũng nhàn nhã hơn. Nhưng cụ vẫn chỉ làm thủ công theo cách ông bà truyền lại. Để bánh thơm và dẻo thì chọn loại thóc nếp ngon. Bà vẫn chỉ làm bằng loại nếp cái hoa vàng. Nếp gặt vào ngày không mưa, phơi cho no nắng rồi đem rang. Phải đảo thật đều tay. Khi những hạt thóc nở bung thành bỏng trắng thì đem bỏng xay thành bột. Xay đi xay lại cho bột thật mịn rồi mới lấy cái rây, rây kỹ.
Xong công đoạn bột thì đến gia vị cho bánh. Lạc rang vừa đủ giòn. Gừng lấy củ già đã lên màu bạc, bóng. Mật mía chọn loại phên vàng và mịn. Gừng thái mỏng rồi đun lọc lấy nước. Nước gừng vàng hườm, cay nồng đổ vào lẫn với mật mía đã thái mỏng đun lên cho sánh. Đảo thấy nằng nặng ở tay thì đổ bột nếp và lạc rang vào, lại khuấy đều.
Xong, rải một lớp bột mịn lên cái mâm gỗ có gờ xung quanh rồi múc hỗn hợp bánh đổ lên, gạt cho thật đều. Lại rắc một lớp bột mịn lên trên rồi dùng cái chày lăn bằng gỗ lăn đi lăn lại cho bánh được cán thật phẳng. Đợi bánh nguội, lấy dao sắc cắt bánh thành từng miếng dài đều, lại rắc bột vào những chỗ vừa cắt để bánh không dính vào nhau rồi mới đóng vào túi bóng...
Tiếng chuông chùa vẳng xuống từ trên đỉnh núi Câu Lậu. Nắng chiều ngả vàng xuống đồng lúa chín phía bên kia sông Tích. Tôi mua thêm mấy gói bánh chè lam rồi chào bà cụ ra về. Ngày mai trở lại cơ quan, tôi sẽ mời đồng nghiệp món bánh đặc sản của Thạch Thất quê tôi. Và tự hào khi nghe những tiếng trầm trồ, nức nở…
Bình luận (0)