Tự hào một dải non sông: Cách làm hay về giáo dục lòng yêu nước

Thanh Nam
Thanh Nam
31/12/2023 08:00 GMT+7

Nhiều ý kiến nhận định, cuộc vận động này khi được "kích hoạt" trên khắp các tỉnh, thành sẽ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi), cho rằng Cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn rất ý nghĩa, đặc biệt đối với học sinh. Khi treo bản đồ Việt Nam tại nơi học tập sẽ khơi gợi lòng yêu nước, tự hào quê hương đất nước.

Tự hào một dải non sông: Cách làm hay về giáo dục lòng yêu nước- Ảnh 1.

Bản đồ Việt Nam treo ở lớp học nhằm giúp học sinh tiếp cận và hình thành kiến thức, hiểu biết của mình về lãnh thổ đất nước

MAI VĂN CHUYỀN

Theo ông Long, mỗi ngày được thấy bản đồ Việt Nam, qua sự chia sẻ của giáo viên, học sinh sẽ nhận diện được diện tích toàn lãnh thổ phần đất liền Việt Nam hay các địa hình sông, phù sa châu thổ, đồng bằng biển, đồi núi… Và qua việc nhìn tấm bản đồ chuẩn, học sinh sẽ định vị được địa phương mình sinh ra. Để từ đấy, sẽ biết phấn đấu nỗ lực học tốt hơn, có những việc làm, hành động ý nghĩa nhằm giúp ích cho quê nhà.

"Tôi tin rằng, với những giá trị tích cực mà cuộc vận động này mang lại, trong tương lai gần, bản đồ Việt Nam sẽ hiện diện ở mọi không gian, từ trường học, công ty, xí nghiệp cho đến nhà dân, các phòng sinh hoạt cộng đồng… trên cả nước. Khi đó, nhận thức trong mỗi người dân Việt Nam, từ trẻ đến già, về toàn vẹn lãnh thổ, tự hào độc lập sẽ được nâng cao hơn".

Còn Nguyễn Tạ Huy Hoàng, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì cho rằng đây là một cách để giáo dục lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ. Mỗi khi nhìn bản đồ Việt Nam thì bất giác niềm tự hào, tự tôn dân tộc cũng như tình yêu quê hương, đất nước được khơi dậy nhiều hơn.

"Mình có những người bạn ở nước ngoài. Và bản thân chợt nghĩ khi treo bản đồ ở góc học tập, mỗi khi bạn bè quốc tế đến, mình sẽ dẫn họ đi du lịch khắp mọi miền Tổ quốc một cách dễ dàng khi chỉ tay giới thiệu về từng tỉnh, thành trên bản đồ Việt Nam. Mình tin là cuộc vận động này sẽ có sức lan tỏa lớn trong thời gian tới", Huy Hoàng chia sẻ.

Với Nguyễn Nhật Thanh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển là những nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt hiện nay. Trách nhiệm thiêng liêng này thuộc về mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, trong đó trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò xung kích thuộc về người trẻ. Người trẻ chính là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển bền vững hiện nay và trong tương lai.

"Để thế hệ trẻ làm tốt việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thì cần khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào và khát vọng hòa bình của họ để quyết tâm giữ vững nền độc lập, đoàn kết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" chính là một trong những cách thiết thực nhất. Khi nhìn bản đồ Việt Nam được treo ở lớp học, nơi làm việc… chắc chắn người trẻ sẽ được giáo dục lòng tự hào dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia", Nhật Thanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.