Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862: Cuộc tiếp đón sứ bộ Pháp và Tây Ban Nha

13/12/2022 06:58 GMT+7

Hòa ước Sài Gòn được ký kết ngày 5.6.1862 tại Trường Thi (Sài Gòn), còn gọi là Hòa ước Nhâm Tuất, nhưng phải đến cuối tháng 1.1863 “hòa ước thư” được Pháp hoàng Napoléon đệ Tam phê chuẩn mới được đại úy Tricault mang đến Sài Gòn.

Điều 12 (đệ thập nhị khoản) Hòa ước Nhâm Tuất quy định: “Sau khi lập chương trình hòa ước, đại thần ba nước ký tên đóng dấu dâng lên Đại hoàng đế. Kể từ ngày ký tên đóng dấu là một năm, Đại hoàng đế ba nước đều ngự lãm khâm định phê chuẩn, sẽ trao cho nhau ở kinh thành nước Nam để tồn chiếu” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, NXB Khoa học xã hội, 2022, tr.276).

Về phía triều đình Huế, vua quan nhà Nguyễn muốn trì hoãn việc trao đổi hòa ước thư trước áp lực từ phía bắc (loạn Tạ Duy Phụng) và đe dọa từ Soái phủ Nam kỳ. Mãi cho đến đầu tháng 2.1863, triều đình Huế mới chấp nhận trao đổi hòa ước với phía Pháp và Tây Ban Nha.

Phó đô đốc Bonard cùng tùy tùng đến kinh đô Huế trao đổi hòa ước thư. (Theo ký họa của một sĩ quan thuộc quân đoàn viễn chinh). Ảnh: L’illustration, Journal Universel, số ra ngày 27.6.1863, tr.404

Nguồn: HathiTrust Digital Library

Viết về sự việc Bonard và Palanca ra Huế trao đổi hòa ước thư đã được Pháp hoàng và nữ hoàng Tây Ban Nha phê chuẩn, Quốc sử quán triều Nguyễn cung cấp vài thông tin chính yếu: “Tháng 2 (Quý Hợi, Tự Đức năm thứ 16 - 1863), sứ thần của 2 nước Phú Lãng Sa (tức Pháp) và Y Pha Nho (tức Tây Ban Nha) là bọn Phô-na (tức Bonard), Bờ-lăng Ca (tức Palanca)… đến Kinh sư, ở vào quán mới sông Hương. (…) Khi đến cửa Đà Nẵng - Quảng Nam, chỉ đem theo 1 chiếc thuyền và 100 người lính thôi; đến cửa biển Thuận An, đi bộ đến Kinh. (…) Sai thêm thự Phủ sự trung quân là Đoàn Thọ, Thượng thư bộ Binh là Trần Tiễn Thành cùng với phái đoàn cũ là Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, Phạm Phú Thứ đều sung vào công việc tiếp đãi ăn tiệc và thương thuyết. (…) Chuẩn cho sứ thần 2 nước Phú Lãng Sa và Y Pha Nho làm lễ triều yết. Trước kỳ sứ thần 2 nước ấy đều đem quốc thư (có đóng dấu ấn của 2 nước) và phẩm vật của vua 2 nước ấy nhờ quan có chức trách dâng lên, lại kính nhận lĩnh quốc thư của nước ta. (…) Đến ngày triều yết, vua ngự điện Thái Hòa (đặt nghi lễ đại triều), sứ thần tới sân ra mắt vua. (…) Làm lễ xong, mời ăn tiệc ở nhà sứ quán, đưa lại tiền bồi thường, (đĩnh 10 lạng, cộng 13.004 đĩnh, thành 186.111 đồng bạc Tây dương)…” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.805-806). Thay vì “hòa ước thư”, Đại Nam thực lục lại ghi là “quốc thư”.

Chi tiết chuyến đi trên Gia Định báo

Sự thể chuyến đi của Bonard và Palanca được mô tả chi tiết hơn trên tờ Gia Định báo (chữ Hán) năm 1863. Số tháng 3 âm lịch năm 1863 cho biết tháng 1 âm lịch năm 1863, Bonard căn cứ vào nội dung của khoản 12 của hòa ước thư, thông báo cho đại diện phía Đại Nam là đại thần Trương Đăng Quế hẹn rõ ngày tháng trao đổi hòa ước thư.

Sử gia Prosper Cultru viết như sau: “Ông ta (Bonard) ngay lập tức đòi hỏi rằng triều đình Huế phải phê chuẩn hiệp ước; nếu không ông ta sẽ lại tiến hành các cuộc xung đột và sẽ trợ giúp cho bọn nổi loạn ở Bắc kỳ” (Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp (từ sơ khởi đến năm 1883), Ninh Xuân Thao dịch, MaiHaBooks và NXB Thế giới, 2021, tr.110).

Phía Đại Nam “đặc phái hai đại thần Khâm sai nghị hòa toàn quyền Phan (Thanh Giản), Lâm (Duy Thiếp) cùng Tham tri bộ Lại Phạm Phú Thứ tới Gia Định hội nghị, kỳ hằng giao triều yết lễ tiết, theo từng khoản giảng duyệt ổn thỏa” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, sđd, tr.151).

Ngày 15 tháng 2 âm lịch năm 1863 (2.4.1863), Bonard và Palanca rời Sài Gòn ngồi binh thuyền hướng về tấn Đà Nẵng căn cứ theo nội dung điều 6 của hòa ước, rằng “… thuyền hai nước Phú Lãng Sa, Y Pha Nho tới tấn Đà Nẵng nước Nam thì ghé vào, Khâm sứ sẽ lên bờ theo đường bộ tới kinh” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, sđd, tr.275). Kỳ thật, vấn đề này đã được Page đưa vào “sơ thảo” hòa ước năm 1860, “nước ấy (tức Pháp) nếu có quốc thư thì đến Đà Nẵng đi đường bộ đệ đến Kinh” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.648).

Gia Định báo (chữ Hán), số tháng 3 âm lịch năm 1863, cho biết ngày 18 tháng 2 âm lịch (5.4.1863) binh thuyền cập bến Đà Nẵng, ngày 19 tháng 2 âm lịch (6.4.1863) Bonard và Palanca được Tuần phủ Quảng Nam Nguyễn Hữu Cơ đón tiếp và làm lễ gặp mặt tại sứ quán Đà Nẵng. Trong cùng ngày, hai sứ thần gặp Thống chế dinh Vũ Lâm Nguyễn Quang, Biện lý bộ Hình Phạm Ý và Phủ thừa phủ Thừa Thiên Hồ Trọng Đĩnh - ba nhân vật này được vua Tự Đức phái đi nghênh tiếp.

Tối 19 tháng 2 âm lịch, sứ bộ hai nước nghỉ chân ở trạm đình Nam Chơn. Rạng sáng 20 tháng 2 âm lịch (7.4.1863), sứ bộ hai nước Pháp - Tây Ban Nha được “hai viên quan trường tống cùng 300 quân, 200 phu võng, 250 phu khuân vác tiếp đón đưa đường”, “16 người đều có võng lọng, cùng 80 quân tùy tùng theo đường bộ qua cửa Hải Vân”. Ngày 21, 22 sứ bộ qua ba trạm Thừa Hóa, Thừa Lưu và Thừa Nông (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, sđd, tr.151).

Trên đường đi, sứ bộ hai nước được “nghênh tiếp cung đốn mười phần nhã khiết”. (còn tiếp)

Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862

Những cuộc hòa đàm đầu tiên

Việc giảng hòa Pháp - Đại Nam

Triều đình Huế bước đầu nhượng bộ

Trước nguy cơ mất Gia Định, Định Tường, Biên Hòa

Triều đình Huế suy tính thiệt hơn

Ký Hòa ước Nhâm Tuất tại gian lều Hòa bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.