Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862: Triều đình Huế suy tính thiệt hơn

11/12/2022 08:58 GMT+7

Đánh không được, giữ không được mà hòa cũng coi như là thua, là mất đất vào tay người Pháp, Nguyễn Bá Nghi đứng ở giữa không biết phải làm thế nào. Vua Tự Đức hiểu tình thế trước mắt và ủy lạo Nguyễn Bá Nghi là “hết sức mà làm”.

Về quan điểm “hòa thì dẫu thua thiệt mà sự thế Nam kỳ còn làm được” và “để cứu đỡ nỗi khổ cho dân binh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào Nam” của Nguyễn Bá Nghi, Đại Nam thực lục chép như sau: “… Đã phái người đưa thư. Viên quan Tây dương [tức Phó đô đốc Charner] ấy nói rằng: Việc ấy khó giải quyết, đợi mươi ngày nữa sẽ bàn lại. Vả lại, cứ phái nhân về nói thì xem giọng nói cách khoản tiếp của họ, cùng như mấy lần trước, không có tình ý gì khác. Xem thế thì đủ biết ta không sinh sự với họ thì họ cũng chưa vội lấn áp ta. Hãy đợi họ trả lời thế nào, sẽ tùy cơ mà làm. Hiện nay sự thế 6 tỉnh Nam kỳ như thế, chỉ có một chữ “hòa”, còn có thể làm được. Nhưng nay hòa thì một khoản mất đất, ta đã thua thiệt” (Đại Nam thực lục, tập 7, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.716).

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công thành Vĩnh Long, ngày 22.3.1862. Ảnh: Le Monde illustré, số ra ngày 24.5.1862, tr.325

Thư viện Quốc gia Pháp

Trong thư gửi Nguyễn Bá Nghi ngày 7.6.1861, ngoài nội dung tóm tắt 12 yêu sách của mình (xem bài trước), Phó đô đốc Charner còn viết rằng: “Ngài [Nguyễn Bá Nghi] luôn than thở rằng đòi hỏi [12 khoản] của tôi là quá đáng, nhưng tôi tin ngài rất mong muốn hòa bình, dù cho tới hiện tại, ngài vẫn ngần ngừ không nhượng bộ” (Léopold Pallu, Nam kỳ viễn chinh ký 1861, Thanh Thư dịch, DTBooks và NXB Hồng Đức, 2018, tr.173). Charner còn kèm theo lời đe dọa rằng nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài thì tình hình của Vương quốc Đại Nam càng nghiêm trọng hơn. Một cách gây áp lực trên bàn đàm phán và thể hiện tham vọng chiếm lãnh thổ - một “tối hậu thư” khác của người Pháp.

Nội dung thư của Charner cũng cho biết là Nguyễn Bá Nghi, cụ thể hơn là ý của triều đình Huế, chỉ nhân nhượng (chuẩn y) điều khoản tự do theo đạo Công giáo (khoản 1) và cho phép đại diện Tây Ban Nha tham gia hiệp ước (khoản 12). Nhân nhượng theo kiểu nếu không biện bác được thì đành chấp nhận, tuy nhiên quan điểm trước sau “về khoản đạo giáo công hành” là “đến thì phải trình, ở thì có nơi. Nam kỳ thì chỉ một xứ Gia Định, Bắc kỳ thì Nam Định hoặc Hải Dương một xứ mà thôi”, “đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tự do tuyên truyền” (dụ của vua Tự Đức tháng 4 âm lịch năm 1862, ngay trước khi Phan Thanh Giản vào Gia Định bàn chuyện hòa ước thư 1862).

Học giả Trương Bá Cần cho biết yêu cầu của Charner về “thiết lập lãnh sự quán” ở khoản 9 cũng bị Nguyễn Bá Nghi từ chối trong thư trả lời ngày 1.7.1861. Trong thư ngày 8.7.1861, Charner nhắc đến việc đặt đại diện thường trực của Pháp ở Huế nhưng tiếp tục bị đại diện triều đình Huế từ chối (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), Vũ Lưu Xuân dịch, TuvanBooks và NXB Thế giới, 2011, tr.47, chú thích số 4). Cho đến tháng 4 âm lịch năm 1862, quan điểm của vua Tự Đức về việc này vẫn không thay đổi, vua phê rằng: “về người Tây dương đi lại tự do, đóng ở kinh đô, 2 khoản ấy quyết cũng không cho”.

Nội dung “hòa ước thư” từ thời Page (11 khoản) đến thời Charner gián tiếp thể hiện ưu thế trên chiến trường, và mối quan tâm mang tính thời điểm, mà người Pháp tạo ra. Thời Page, triều đình Huế không chịu thỏa hiệp vấn đề tự do tôn giáo, nhưng Charner tạo áp lực lớn khi đưa ra 12 điều kiện để thiết lập hòa bình trong đó có thêm hai điều khoản nặng nề khác là triều đình Huế phải cắt nhượng đất (khoản 2, 3 và 4) và bồi thường chiến phí (khoản 11).

Cần biết rằng, trong chỉ thị gửi Charner ngày 26.2.1861, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa đặt nhẹ khoản bồi thường chiến phí, khoản này “chỉ được thông qua, sau khi đã đạt được tất cả những gì giúp chúng ta thiết lập được cơ sở vững vàng ở Nam kỳ, và được bảo đảm quyền tự do buôn bán tại khu vực này” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), sđd, tr.49). Ý của Chasseloup-Laubat là bằng mọi giá Charner phải đòi cho bằng được nhượng địa Sài Gòn và đảm bảo thông thương trên các con sông phía nam Nam kỳ.

Theo thời gian, các yêu sách của phía Pháp càng thêm nặng nề, triều đình Huế buộc phải cân nhắc và phải suy tính thiệt hơn. Nhân nhượng tôn giáo nhằm cứu vãn tình hình, để không phải mất đất tổ tiên để lại vào tay ngoại bang.

Léopold Pallu cho biết cuộc hòa đàm vẫn tiếp tục đến ngày 4.8.1861 thì đột ngột bị cắt đứt. Lý do là người Pháp “tìm thấy trong ba người An Nam, bị bắt ở Trảng Bàng, bản bố cáo [ngày 1.3] của vua Tự Đức phát lệnh một cuộc tổng khởi nghĩa [sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ]” (Philippe Devillers, Người Pháp và người Annam bạn hay thù?, Ngô Văn Quỹ dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006, tr.117).

Những nỗ lực thư từ qua lại giữa Nguyễn Bá Nghi và Charner, dù không đạt kết quả như mong muốn, có thể nói là cơ sở hình thành nội dung hòa ước Nhâm Tuất một năm sau đó.

Bonard chính thức kế nhiệm Phó đô đốc Charner, giữ chức Tổng tư lệnh quân viễn chinh Nam kỳ kể từ ngày 29.11.1861. Giải pháp hòa bình bằng cách gửi tối hậu thư kèm những đe dọa yêu cầu phía triều đình Huế ngồi vào bàn đàm phán được thúc đẩy, và Bonard đã thành công một cách bất ngờ trong khi những vị tiền nhiệm của ông như Rigault de Genouilly, Page và Charner dù đã rất cố gắng nhưng vẫn thất bại. (còn tiếp)

Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862

Những cuộc hòa đàm đầu tiên

Việc giảng hòa Pháp - Đại Nam

Triều đình Huế bước đầu nhượng bộ

Trước nguy cơ mất Gia Định, Định Tường, Biên Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.