Lập nhóm ở quán cà phê, tổ chức dã ngoại, làm thêm ở nhà hàng có
người nước ngoài, xem phim, nghe nhạc quốc tế... là cách mà nhiều người
sử dụng để tự học tiếng Anh.
Các thành viên tham gia lớp học có tên gọi “Hộ chiếu toàn cầu” - Ảnh: AIESEC cung cấp |
Lập nhóm, hoạt động ngoại khóa...
Xem tiếng Anh là tấm “hộ chiếu toàn cầu” nên ngoài việc đầu tư hàng chục triệu để học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, các trường quốc tế, nhiều người còn tìm mọi cách để tự học tiếng Anh. Hàng loạt các hoạt động mang tên class talk (học nhóm), outdoor activity (hoạt động ngoài trời)... do các bạn trẻ tổ chức định kỳ khoảng 2 - 3 tháng một lần.
Một lớp học thường từ 10 - 12 người tham gia với 2 - 3 tình nguyện viên người nước ngoài. Mở đầu cho những lớp học này, các tình nguyện viên giới thiệu về văn hóa, phong tục độc đáo, chia sẻ những chuyện vui ở đất nước họ đang sống... Các thành viên còn lại cũng giới thiệu về VN bằng tiếng Anh.
Các lớp học kiểu này thường diễn ra ở các quán cà phê có không gian rộng rãi để có thể tự do thảo luận, thuyết trình. Ngoài ra để tiết kiệm chi phí tổ chức, các bạn trẻ còn tận dụng không gian ở nhà hoặc mượn hội trường, phòng học tại các trường. Khi học, thành viên trong lớp chia thành các nhóm nhỏ, phải thuyết trình trước lớp, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tổ chức những trò chơi như: ghép hình xếp chữ, giải đố... bằng tiếng Anh.
“Có lẽ khuyết điểm lớn nhất của người VN khi học tiếng Anh là ngại nói vì sợ sai, nên tham gia lớp học ai cũng phải mạnh dạn thuyết trình. Các bạn nói sai ở đâu thì tụi em sẽ cùng nhau sửa ngay ở đó không ngại ngùng hay dấu giếm đó là cách rất tốt để học tiếng Anh”, Thùy Linh (một thành viên lớp học này) cho biết.
Học ở chỗ làm thêm
Chú trọng tới kỹ năng nghe nói tiếng Anh, nhiều người tìm tới các quán cà phê, nhà hàng, khu giải trí chuyên phục vụ cho khách nước ngoài xin làm thêm. Mục đích chính là tiếp xúc nhiều với người nước ngoài để rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh mà... còn được trả thù lao.
Huỳnh Thùy Nga (sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại) cho biết: “Ngoài thời gian học trên trường, em đăng ký làm bán thời gian cho cửa hàng thức ăn nhanh. Mỗi giờ làm việc em được trả 17.000 đồng. Trừ thời gian học trên lớp, em dành hết cho việc làm thêm tại quán ăn”. Nga cho biết thêm: “Trong lúc làm em tranh thủ nói chuyện nhiều với khách nước ngoài. Hỏi họ muốn ăn gì, uống gì đôi khi còn hỏi han, nghe họ kể một câu chuyện. Em thường nghe rất kỹ cách họ phát âm và nhẩm theo. Nhờ thế họ rất thích thú và em còn được chủ quán khen về thái độ làm việc vui vẻ hòa đồng”.
Cao Văn Sương (19 tuổi, quê Long An) kể: “Ngoài thời gian học cùng thầy giáo ở nhà, em đi làm thêm ở các quán cà phê, nhà hàng, chủ yếu là để được tiếp xúc với người nước ngoài. Học hỏi phong cách ứng xử của họ và để rèn khả năng nghe, nói tiếng Anh”.
Học từ phim, nhạc, internet...
Là một tín đồ của Facebook, Nguyễn Như Trang (17 tuổi) cho biết: “Em thường theo dõi các kênh: /hoctienganhonline,/hoctienganhthatde và theo dõi các group, pape bằng tiếng Anh như Chicken Soup for Souls để học thêm về những câu châm ngôn, thành ngữ, những câu nói hay của các vĩ nhân. Em cũng hay vào các video hướng dẫn phát âm trên YouTube... Vào những trang này em không chỉ được học tiếng Anh mà còn có cơ hội được tìm hiểu những điều thú vị về văn hóa và cuộc sống của người nước ngoài nữa”.
Còn Phan Vĩnh Tịnh (19 tuổi, TP.HCM) chưa từng đi học thêm tiếng Anh mà chỉ tự học. “Em chỉ nghe nhạc nước ngoài và xem phim ngước ngoài không có phụ đề tiếng Việt. Em cũng thường đọc và dịch các bài báo tiếng Anh trên BBC News, The Guarian, New York Times, đọc các báo song ngữ… Lúc đầu dù không hiểu nhiều nhưng sau đó em lại thấy rất hứng thú khi tự học tiếng Anh theo cách này”. Tịnh cho biết thêm: “Nếu biết kết hợp giữa học ngữ pháp ở trường lớp với học online và thực hành ngoài cuộc sống thì việc trở thành một “công dân toàn cầu” nói tốt tiếng Anh không phải là quá khó”.
Bình luận (0)