Từ hôm nay, người Hà Nội cần mang giấy tờ gì khi ra đường?

Mai Hà
Mai Hà
10/08/2021 13:45 GMT+7

Với việc điều chỉnh quy định Giấy đi đường mới nhất sáng nay, 10.8, của Hà Nội, nhiều người dân, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, “thở phào” nhẹ nhõm. Vậy từ hôm nay, người dân cần mang giấy tờ gì để qua các chốt kiểm soát?

Chỉ cần Giấy đi đường và căn cước công dân

Theo văn bản điều chỉnh do Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng ký sáng nay, về cơ bản các quy định kiểm tra giấy đi đường của Hà Nội lại quay về như cũ. Theo đó, người đi đường sẽ chỉ cần xuất trình Giấy đi đường và giấy tờ tuỳ thân, không cần mang thêm lịch trực, lịch làm việc, phân công của cơ quan. Giấy đi đường chỉ cần có xác nhận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà không cần xác nhận của phường, xã.
Với những người dân có việc thiết yếu phải ra đường như đi tiêm vắc xin, có lịch khám bệnh… sẽ không cần xuất trình Giấy đi đường (có xác nhận phường xã), mà chỉ cần xuất trình giấy hẹn tiêm và giấy tờ tuỳ thân; với người đi chợ cũng chỉ cần xuất trình Phiếu đi chợ và giấy tờ tuỳ thân.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

Người Hà Nội bối rối dưới cơn mưa vì giấy đi đường thiếu con dấu của phường

TP sẽ tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch và gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).
Hà Nội cũng yêu cầu các phường, xã không được phát sinh giấy phép “con”, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. So với quy định trong Văn bản 2562 tối 8.8, Hà Nội đã bỏ quy định về lịch trực, lịch làm việc và phân công nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Sáng nay, nhiều người dân vẫn bị yêu cầu quay về vì thiếu dấu xác nhận của phường

Ảnh Trần Cường

Người dân thở phào

Chị Nguyễn Thanh Huyền, chủ một doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm trên địa bàn Q.Cầu Giấy, cho biết ngay trong hôm qua, công ty chị đã đôn đáo đi ra phường xin xác nhận lịch làm việc và lịch trực cho nhân viên. “Tới chiều muộn hôm qua, công ty tôi đã có đầy đủ xác nhận, nhưng sáng nay thấy TP điều chỉnh như thế chúng tôi vẫn thấy thoải mái hơn nhiều, vì nhiều khi có phát sinh điều chỉnh phải ra phường sẽ rất phức tạp”, chị Huyền cho biết.
Cả ngày hôm qua chầu chực tại phường nhưng chưa lấy được xác nhận do quá tải, chị Trần Thu Hiền, nhân viên hành chính tại một công ty Q.Hà Đông, lo lắng cả tối qua. “Chiều qua phường hướng dẫn công ty tôi là trong thời gian chưa cấp được giấy xác nhận thì tạm thời ngừng hoạt động. May quá tới đêm qua thấy TP có thông báo điều chỉnh, sáng nay thì nói bỏ kiểm tra lịch trực, lịch làm việc, anh em nhân viên trực đi làm được bình thường”, chị Hiền nói.

Tối 10.8: Thông báo thêm 388 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Hoan nghênh Hà Nội ngay sau 1 ngày đã giải thích và điều chỉnh, tiếp thu và lắng nghe, bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH TP.Hà Nội, cho rằng các địa phương có quyền căn cứ đặc thù để có giải pháp, chỉ đạo riêng phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả,... nhưng trước khi ra văn bản, TP nên quán triệt cho những người thi hành bên dưới phải chuẩn bị tư tưởng để sẵn sàng tiếp nhận, gỡ khó cho dân. Do chưa có sự chuẩn bị đã ban hành nên sinh ra chuyện ùn ứ, nhiều phường phải xuyên đêm để cấp xác nhận. Trong khi TP hoàn toàn có thể ban hành quy trình nộp và cấp hồ sơ trực tuyến, để tạo thuận lợi cho người dân thay vì xếp hàng đông đúc tại phường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.