Đầu thập niên 90, Tập đoàn Acecook - một trong những công ty mì ăn liền lớn tại Nhật mang theo công nghệ sản xuất hiện đại đến Việt Nam. Năm 1993, khi thành lập, đơn vị hướng đến việc chuyển tải món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt vào thực phẩm ăn liền với phương châm "Công nghệ Nhật Bản - Hương vị Việt Nam".
Năm 2000, mì Hảo Hảo ra đời, đánh dấu bước ngoặt thị trường mì ăn liền. Vị chua cay mới lạ, khác biệt với những sản phẩm lúc bấy giờ. Với giá thành 1.000 đồng một gói, người tiêu dùng nhanh chóng đón nhận sản phẩm này. Nhu cầu tăng, công ty liên tục mở rộng nhà máy sản xuất, phát triển chi nhánh khắp cả nước, đến nay đã có 11 nhà máy và 6 chi nhánh. Thành công này chính nhờ việc nghiên cứu kỹ khẩu vị, chuyển tải hương vị truyền thống để "Việt hóa" mì gói Nhật Bản thành mì của người Việt, đến nay, gần 20 năm từ khi Hảo Hảo ra đời, đây vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của Acecook Việt Nam.
Gắn bó với công ty từ những ngày đầu, bà Hồ Thị Yến Nhung - Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) - cho biết đội ngũ nghiên cứu phải đi nhiều vùng miền, thưởng thức những quán ăn nổi tiếng ở địa phương để tìm hương vị đặc trưng.
Cách nghiên cứu món ăn để chuyển từ món truyền thống sang ăn liền cũng lắm công phu. Đầu tiên phải nấu nhiều nồi canh chua bằng tôm, rau quả tươi..., ăn cùng vắt mì gói để tìm ra hương vị ưng ý. Hàng trăm nồi canh được nấu và thử khẩu vị liên tục trong gần 3 tháng, ghi chú nguyên liệu, cân đo tỷ lệ, lấy ý kiến từng người dùng, xem xét góp ý điều chỉnh công thức. Sau khi có hương vị chua cay cuối cùng được lòng số đông, đội ngũ nghiên cứu phải mất thêm 2 - 3 tháng để sản xuất thử nghiệm trên dây chuyền hiện đại, từ đó mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh để bán ra thị trường.
Bà Nhung cho biết thêm, các gói gia vị chính là tinh túy của gói mì Hảo Hảo. Hơn 10 loại hành, tỏi, ớt, các loại rau thơm, tôm... được chọn lọc, tính toán liều lượng kỹ lưỡng. Khi chế biến, phải nghiên cứu độ to nhỏ của lửa, thứ tự trước - sau khi cho các loại rau gia vị vào để được vị như mong muốn. Ngay cả sản phẩm sản xuất tại miền Bắc, miền Nam cũng có khác để chiều lòng người tiêu dùng. Hảo Hảo chua cay miền Nam lẫn thêm chút ngọt, mùi rau thơm đậm đà, trong khi vị mì miền Bắc thanh hơn, không quá chua, chỉ ở mức nhè nhẹ.
Đa dạng thực phẩm ăn liền chinh phục khẩu vị Việt
Nhắc đến Acecook, người tiêu dùng thường nghĩ ngay đến Hảo Hảo nhưng sản phẩm đầu tiên của doanh nghiệp này lại mang hơi thở của ẩm thực truyền thống - chính là phở bò.
Bánh phở từ bột gạo sản xuất trên dây chuyền công nghiệp rất khó đạt khẩu cảm như bánh phở tươi, doanh nghiệp mất gần 10 năm (1995 - 2006) nghiên cứu công nghệ, đồng bộ trang thiết bị mới có thể chuyển tải tinh hoa món phở Việt như hiện nay.
Ngoài gạo, Acecook khai thác lợi thế từ nguồn nguyên liệu tự nhiên như đậu xanh, nổi bật có miến Phú Hương. Theo bà Yến Nhung, sợi miến có thể làm ra từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng với doanh nghiệp này, đậu xanh là lựa chọn tốt nhất. Là một trong những loại ngũ cốc quý của người Việt, đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe người dùng. Công ty mất 3 năm nghiên cứu kỹ thuật cho ra thành phẩm sợi miến trong, dai, giòn vừa ăn, không trương nở nhanh, giữ hàm lượng dinh dưỡng của đậu xanh. Vào những dịp Tết Nguyên đán, các sản phẩm miến của doanh nghiệp thường không đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng.
Liên tục nghiên cứu và tìm tòi, gần 3 thập niên, Acecook Việt Nam không ngừng phát triển đa dạng hương vị ẩm thực truyền thống với hơn 30 chủng loại sản phẩm như phở, miến, bún mắm, bún bò, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu bò kho, mì hoành thánh, mì lẩu thái tôm,... cung cấp gần 3 tỉ bữa ăn đậm đà hương vị ẩm thực truyền thống và đa dạng cách chế biến mỗi năm cho người Việt Nam.
Bình luận (0)