Từ 'làn sóng' rao bán nhà phố cổ

17/05/2023 04:15 GMT+7

Những ngôi nhà cổ tại khu vực phố cổ Hội An (TP.Hội An, Quảng Nam) được rao bán với nhiều lý do khác nhau, trong thời gian gần đây. Việc mua bán nếu xảy ra đều là những giao dịch dân sự, đúng luật và do đó không thể ngăn cản.

Trong trường hợp người từ nơi khác đến mua nhà, sống ngay trong ngôi nhà mới mua đó và kinh doanh, họ sẽ tiếp nhận văn hóa Hội An, cũng như văn hóa Hội An sẽ tiếp nhận văn hóa của họ. Văn hóa Hội An sẽ được bổ sung thêm các thành tố mới. Bản thân thương cảng quốc tế Hội An xưa cũng vậy, luôn có lớp cư dân mới. Tuy nhiên, nếu người mua nhà sẽ chỉ mua và làm cửa hàng đơn thuần, tức là chỉ để làm kinh doanh, không có người sống trong đó, thì đấy lại là xu hướng đáng lo ngại.

Còn nhớ, theo khảo sát công năng sử dụng 100 ngôi nhà của Trung tâm quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hầu hết những ngôi nhà này đã ít nhiều làm mất không gian truyền thống. Trong khi đây lại là điều làm nên giá trị của phố cổ, nhà cổ Hội An. Không gian sân trời, không gian giữa các phòng trong một ngôi nhà, không gian bếp, sân vườn, không gian mặt tiền nhiều ngôi nhà cổ bị thu hẹp lại để mở rộng diện tích quầy kinh doanh, buôn bán. Cách sử dụng không gian xưa, lối sống của con người trong những ngôi nhà này mất đi, cũng có nghĩa là Hội An mất đi một phần di sản văn hóa phi vật thể.

"Làn sóng" bán nhà phố cổ ở Hội An, nếu có thể gọi như vậy, không phải chưa từng diễn ra. Một nghiên cứu tác động du lịch của UNESCO hồi năm 2008 đã cho thấy, có một làn sóng bán nhà để rời phố cổ ra nơi khác sống. Khi đó Hội An, sau 10 năm trở thành di sản văn hóa thế giới, đang ngột ngạt vì các quy định xây dựng quá chặt dẫn đến xây, sửa nhà khó khăn. Ngay sau đó, chính quyền nới lỏng quy định sửa chữa dân sinh trong nội thất. Chính quyền Hội An cũng có hỗ trợ tu bổ nhà với 3 loại: nhà nước trả toàn bộ, trả với tỷ lệ 50%, dân sửa và hỗ trợ một phần nhỏ. Như vậy, làn sóng di cư đã được ngăn lại bằng cách tìm đúng nguyên nhân để can thiệp chính sách.

Can thiệp của Hội An khi đó cũng phù hợp với quan điểm của UNESCO. Theo đó, UNESCO luôn yêu cầu các nước thành viên và các cơ quan quản lý di sản có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân ở lại sinh sống trong khu di sản. Những người dân ấy là một phần của giá trị phi vật thể, gắn liền di sản đó.

Hiện tại, chúng ta chưa có nghiên cứu sâu lại lần 2 xem nguyên nhân sâu xa của mong muốn di cư là gì. Liệu đó có phải do chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch trong ngôi nhà của mình chưa đủ mạnh? Liệu các quy định bảo tồn nhà cổ có khiến người dân mệt mỏi hay không? Phải có một nghiên cứu nhân học, vì chuyện di dân là một phần của quản lý di sản gắn với cư dân sinh sống. Dựa trên các nghiên cứu sâu này, mới có thể có những can thiệp chính sách cần thiết để khu di sản Hội An giữ được giá trị vật thể lẫn phi vật thể sinh động của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.