Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Cải thiện việc làm hòa nhập cho người khuyết tật thông qua giáo dục nghề nghiệp" được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Australia do chương trình Aus4skills quản lý.
Là một cựu sinh viên Australia và cũng là Giám đốc Trung tâm DRD, tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến cho biết, dự án hướng tới cung cấp thông tin toàn diện về các khả năng nghề nghiệp, lộ trình giáo dục và nguồn lực hỗ trợ cho người khuyết tật. Đồng thời, phát triển năng lực cho người khuyết tật, nhân viên tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua các buổi tư vấn, huấn luyện trực tiếp.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm DRD, chia sẻ quyển sổ tay gồm 3 phần chính. Trong đó phần 1 nói về các nghề nghiệp và gợi ý về sự phù hợp đối với các dạng khuyết tật. Phần 2 thông tin về các cơ sở đào tạo nghề, các ngành đào tạo, chính sách tuyển sinh và hỗ trợ học viên người khuyết tật. Phần 3 cung cấp thông tin các tổ chức, nguồn hỗ trợ người khuyết tật và các phần mềm hỗ trợ theo từng dạng khuyết tật.
Thúc đẩy hòa nhập xã hội
Việt Nam có trên 6 triệu người khuyết tật, riêng tại TP.HCM là hơn 58.700 người với các dạng tật khác nhau như khuyết tật vận động, nghe nói, nhìn, thần kinh, trí tuệ...
Theo báo cáo điều tra Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam của Tổng cục Thống kê năm 2016, người khuyết tật có nhu cầu làm việc để có thu nhập và sống độc lập, nhưng chỉ chưa đầy 1/3 người khuyết tật có việc làm.
Đa số người khuyết tật không tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, 92,7% không được đào tạo nghề. Tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên (tức trong độ tuổi lao động) không có việc làm là 68,3%.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Trung tâm DRD, có đến 90% người khuyết tật chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ và lựa chọn nghề nghiệp một cách rập khuôn như người khuyết tật vận động thì phải học công nghệ thông tin; người khiếm thị thì học xoa bóp, massage; người khiếm thính chỉ thích hợp làm công việc chân tay...
Theo ông Nguyễn Văn Cử, điều này xuất phát từ việc người khuyết tật và gia đình thiếu thông tin về nghề nghiệp và nguồn lực, chính sách hỗ trợ và do các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chưa tư vấn nghề nghiệp phù hợp cho từng loại hình khuyết tật, còn hạn chế liên kết, tiếp cận các nguồn lực để thúc đẩy giáo dục hòa nhập.
Do đó, quyển sổ tay sẽ giúp người khuyết tật khám phá bản thân và lựa chọn ngành nghề phù hợp, mở ra những cơ hội cho người khuyết tật để hòa nhập thị trường lao động và xã hội.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức vì người khuyết tật, cuốn sổ tay là công cụ quan trọng để các đơn vị hiểu rõ hơn về nhu cầu và khả năng của người khuyết tật, từ đó có thêm nhiều kế hoạch, hoạt động tư vấn hướng nghiệp phù hợp hơn.
4 giai đoạn để xác định và lựa chọn nghề nghiệp cho người khuyết tật
Từ những trang đầu tiên, quyển sổ tay hướng dẫn người khuyết tật xác định và lựa chọn nghề nghiệp. 4 giai đoạn cụ thể gồm:
Giai đoạn 1: Xác định đặc điểm bản thân
Giai đoạn 2: Tìm hiểu thông tin nghề và con đường học tập
Giai đoạn 3: Ra quyết định và lên kế hoạch nghề nghiệp
Giai đoạn 4: Thực hiện kế hoạch nghề nghiệp và học tập
Bình luận (0)